Chính trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đối với công tác cán bộ

Đức Diệu - Việt Dũng 18/05/2022 09:46

Để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra 6 yêu cầu đối với Đảng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ.

avatar-new.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên tiếp thu và truyền bá, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta. Qua hoạt động thực tiễn, các bài viết, nói của Người đã thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và cán bộ được hình thành rất sớm, được bổ sung, phát triển, hoàn thiện thành lý luận phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn trong từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra 6 yêu cầu đối với Đảng trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ.

hinh1.png

THỨ NHẤT: PHẢI HIỂU VÀ ĐÁNH GIÁ ĐÚNG CÁN BỘ

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn hiểu biết cán bộ trước hết phải tự biết mình “đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”.

“Bác nhấn mạnh: "phải sửa những khuyết điểm của mình, mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng" (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.278).

Để đánh giá đúng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải tiến hành thường xuyên, quyết không nên chấp nhất vì Người cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng đều không ngừng biến đổi, cán bộ cũng như vậy.

hinh2.png

Đánh giá cán bộ phải khách quan, công tâm, minh bạch, không hẹp hòi, định kiến cá nhân; phải dựa vào tập thể, và Nhân dân, phát huy dân chủ, nắm bắt dư luận xã hội, kết hợp nhiều nguồn thông tin để phân tích, chọn lọc mới bảo đảm thực chất và hiệu quả.

hinh-3.png
Bác nhấn mạnh: mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra

HAI LÀ: PHẢI LÀM TỐT CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁN BỘ

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng thành bại của sự nghiệp cách mạng tùy thuộc vào công tác cán bộ, Người căn dặn “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

hinh-4.png

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải huấn luyện toàn diện về nghề nghiệp, chính trị, văn hóa, lý luận đi đôi với thực hành, cả đức và tài; phải có kế hoạch rõ ràng, tổ chức khoa học, phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Huấn luyện cán bộ cần tiến hành thường xuyên, công phu, lâu dài, phải kiên trì và bền bỉ, bởi vì “không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt”.

hinh-5.jpg
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”; huấn luyện cán bộ phải lấy chất lượng làm trọng, căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp, gắn liền với nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, “làm việc gì học việc ấy".

Với Người, công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ rất quan trọng, không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả mai sau: “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

BA LÀ: PHẢI KHÉO DÙNG CÁN BỘ, BIẾT KẾT HỢP BỐ TRÍ CÁN BỘ

Quan điểm của Bác là không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay, ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở, “dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được”. Dùng cán bộ phải hợp lý, nhìn nhận, căn cứ đúng năng lực, chuyên môn, đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng chỗ, như thế sẽ phát huy được năng lực cán bộ, ngược lại, phân công không đúng chuyên môn, sở trường thì sẽ rất vất vả, khó khăn, kết quả công việc không đạt yêu cầu, giống như: “thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao.

hinh-6.png

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích “Đảng càng phát triển thì cần đến cán bộ mới càng nhiều. Vả chăng, số cán bộ cũ có ít, không đủ cho Đảng dùng… Nếu không có cán bộ mới thế vào, thì ai gánh vác công việc của Đảng”. Lớp cán bộ đi trước là những người có nhiều kinh nghiệm về mặt lãnh đạo, trải qua rèn luyện, thử thách trong thực tiễn. Còn những cán bộ kế cận có sức trẻ, sự hăng hái, nhiệt huyết, nhạy cảm với cái mới và chịu khó học hỏi nên nhanh tiến bộ. Do đó, khéo dùng cán bộ còn thể hiện ở chỗ biết kết hợp hài hòa giữa thế hệ cán bộ lớn tuổi và cán bộ trẻ, lớp cán bộ cũ và cán bộ mới, “hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau”, bảo đảm sự chuyển giao, bồi dưỡng cán bộ cách mạng cho đời sau.

hinh-7(1).jpg
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Cố nhiên việc hay hay dở, một phần do cán bộ đủ năng lực hay không. Nhưng một phần cũng do cách lãnh đạo đúng hay không… Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ” (Hồ Chí Minh toàn tập, t.5, nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.280)

BỐN LÀ: PHẢI “CÓ GAN CẤT NHẮC CÁN BỘ, ĐỀ BẠT CÁN BỘ”

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm công tác cán bộ phải có gan đề bạt, cất nhắc cán bộ, Người coi đây là một nghệ thuật, là khâu trung tâm của công tác cán bộ. Cán bộ nào cũng có mặt mạnh, mặt yếu, nếu bố trí sử dụng đúng sẽ phát huy mặt mạnh của cán bộ, thúc đẩy phong trào và hạn chế được mặt yếu của họ. Có gan cất nhắc cán bộ tức là phải mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ vào các cương vị cần thiết đáp ứng nhu cầu cách mạng đề ra; người cán bộ được cất nhắc có thể còn có điểm yếu, song phải biết được khuyết điểm của họ để sau khi cất nhắc tiếp tục giúp đỡ họ tiến bộ. Có gan cất nhắc là không sợ người cất nhắc sẽ vượt mình.

hinh-8.png

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cất nhắc cán bộ là một công tác cần kíp, nhưng phải làm cho đúng, “biết rõ cán bộ, mới có thể cất nhắc cán bộ một cách đúng mực. Có gan cất nhắc cán bộ không có nghĩa là làm nóng vội, làm liều, làm ẩu, càng không vì danh lợi của mình mà cất nhắc cán bộ".

hinh-9.jpg
Người căn dặn: cất nhắc cán bộ phải vì công tác, vì tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái, “khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy xứng với việc gì"

Người đặc biệt nhấn mạnh, trước khi đề bạt, cất nhắc cán bộ phải xem xét, đánh giá phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, các mối quan hệ của họ trong quá trình công tác, những ưu, nhược điểm mà đề bạt, cất nhắc họ một cách công tâm, khách quan, “nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong lòng Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào".

NĂM LÀ: PHẢI YÊU THƯƠNG, CHĂM SÓC, TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CÁN BỘ TRƯỞNG THÀNH

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định cán bộ là tài sản vô giá của Đảng, của cách mạng, của dân tộc: “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu, rất dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, Đảng phải thương yêu cán bộ.

hinh-10.png

Người quan niệm học tập là công việc suốt đời của mỗi người, bất kì cán bộ nào còn làm cách mạng thì còn phải học tập, chỉ có như vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ, mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng phát triển của sự nghiệp cách mạng. Chính vì thế, “Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm”, Đảng, Nhà nước phải hết lòng chăm lo, tạo điều kiện cho cán bộ không ngừng học tập, không ngừng tiến bộ, trưởng thành.

hinh-11.jpg
Người nhấn mạnh: mất mát cán bộ là tổn thất lớn cho cách mạng, chính vì thế, chúng ta phải coi trọng cán bộ, phải hết lòng thương yêu, chăm lo bồi dưỡng, gìn giữ cán bộ; đặc biệt, là phải chăm lo giữ gìn cán bộ cũ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xác định, yêu thương cán bộ là luôn phải chú ý, quan tâm đến công tác của cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, “phải luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu thương, bồi dưỡng cán bộ phải có phương pháp đúng. Đảng hết lòng yêu thương, chăm lo bồi dưỡng cán bộ" nhưng “Thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc”, phải quản lý cán bộ chặt chẽ, duy trì kỷ luật nghiêm minh, nhất là với cán bộ cao cấp, bởi nếu nuông chiều, thả mặc cán bộ sẽ sinh ra chủ quan, tự kiêu, tự phụ, vô kỷ luật, dễ hư hỏng về phẩm chất đạo đức, vi phạm nguyên tắc, gây tác hại khôn lường cho sự nghiệp cách mạng.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về yêu thương cán bộ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, đây là điểm đặc biệt thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Với tình yêu thương ấy, cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết lòng chăm lo giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, trong đó đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ dân tộc thiểu số.

SÁU LÀ: PHẢI CHỐNG CÁC BIỂU HIỆN TIÊU CỰC TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ

Hồ Chí Minh phê phán những bệnh thường mắc phải trong công việc dùng cán bộ như: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài, để rồi từ đó nảy sinh ra nhiều quan niệm lệch lạc trong công tác cán bộ; Ham dùng những kẻ khéo nịnh mình mà chán ghét những người chính trực. Kẻ xu nịnh bao giờ cũng là kẻ cơ hội, có những kẻ cơ hội chính trị nhưng cũng có những kẻ cơ hội chỉ vì quyền lợi tầm thường (một số người là cơ hội kiếm chác). Nếu không tỉnh táo đề phòng thì rất dễ đưa những kẻ này vào những chức vụ Đảng, chính quyền đoàn thể và tác hại thật khôn lường.

hinh-12.png

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Trong Đảng ta còn những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng bệnh chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm...” . Người nói tiếp: “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa".

hinh-13.jpg
Người lưu ý: Từ bè phái mà dẫn đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm mọi cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống

Trên cơ sở nhận thức vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng của người cán bộ, Hồ Chí Minh có quan điểm bao trùm xuyên suốt là cán bộ phải có đức và tài. Cho nên, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ là một hệ thống luận điểm hoàn chỉnh về phẩm chất và năng lực của người cán bộ cũng như phong cách của người cán bộ. Toàn bộ quan điểm của Hồ Chí Minh về cán bộ là rất cơ bản, toàn diện, phong phú, sâu sắc, là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho công tác cán bộ trong công cuộc đổi mới hiện nay. Khi Đảng đang tiến hành chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Nghị quyết Đại hội XIII thì vấn đề trên cần được nghiên cứu một cách đầy đủ và phải được vận dụng một cách sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đối với công tác cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO