Cảm nhận văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh

Vũ Hà| 20/05/2019 10:22

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, về văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh, tất cả đều toát lên sự kết hợp hài hòa các giá trị truyền thống và hiện đại, sự kết tinh văn hóa ứng xử phương Đông và phương Tây, là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn cao cả. Trong suốt cuộc đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, Bác Hồ đã giao thiệp với rất nhiều bạn bè trên thế giới, trong nhiều hoàn cảnh và trên nhiều vị thế khác nhau, có những người là đồng chí và có cả kẻ thù.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Ấn Độ trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1959. Ảnh tư liệu

Nhờ vốn văn hóa và sự hiểu biết sâu sắc, Bác Hồ đã tạo cho mình một phong cách ứng xử ngoại giao chủ động, bản lĩnh, trí tuệ và tự tin. Năm 1946, Bác sang thăm nước Pháp, họ đón tiếp Bác rất trịnh trọng, có tổ chức duyệt binh. Bấy giờ, Bác mặc bộ quần áo ka ki giản dị, xung quanh là nguyên thủ quốc gia và các tướng lĩnh của Pháp. Khi người Pháp hỏi Bác một câu đầy khiêu khích: “Trong giờ phút như thế này, Chủ tịch có cảm giác như mình đang bị bao vây không?”. Bác trả lời mà kẻ thù không ngờ tới: “Các ngài nhầm to; các ngài chỉ là khung ảnh của tôi thôi, tôi mới là tấm ảnh. Nhờ có tấm ảnh nên cái khung kia mới có giá trị, không thì vứt đi”.

Năm 1948, khi phong hàm Đại tướng đầu tiên cho Võ Nguyên Giáp khi ông mới 37 tuổi, phóng viên nước ngoài hỏi Bác một câu đầy ẩn ý: Chủ tịch có thể cho biết nguyên tắc phong tướng của mình được không? (ý chê bai chúng ta là chiến tranh du kích, không có hải, lục, không quân…). Bác biết hàm ý của họ nên Bác ung dung trả lời: Nguyên tắc của tôi rất đơn giản và rất dễ áp dụng, đó là “thắng cấp nào tôi thăng cấp đó”. Vì chúng tôi chiến tranh du kích nên phong tướng cũng theo kiểu “du kích”. Bác giải thích thêm, thắng Đại tướng thì đương nhiên ông Võ Nguyên Giáp cũng là Đại tướng…

Bác Hồ là một trong số ít lãnh tụ trên thế giới khi ngoại giao không cần phiên dịch. Ngoại ngữ chính là một trong những “công cụ” quan trọng để đạt được mục đích ngoại giao, đồng thời tạo nên phong cách tự tin và bản lĩnh ngoại giao Hồ Chí Minh. Ngày 12/10/1954, nhà văn Ba Lan gặp Bác tại Sơn Tây. Người ra hiệu cho đồng chí phiên dịch không phải dịch. Khi nghe phóng viên báo Sự thật hỏi, Người trả lời bằng tiếng Nga. Sau đó Người nói chuyện bằng tiếng Ý với phóng viên Tạp chí UNITA, bằng tiếng Anh với phóng viên báo Công nhân, rồi Người vui vẻ giải thích bằng tiếng Pháp tại sao mình nói được nhiều ngôn ngữ như vậy khiến mọi người đều tỏ ra ngạc nhiên, khâm phục.

Trong văn hóa ứng xử ngoại giao Bác Hồ rất coi trọng phương châm xây dựng khối đại đoàn kết. Ngày 2/11/1960, đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế đã họp tại Mátxcơva. Tại cuộc họp này, cả Liên Xô và Trung Quốc không tìm được tiếng nói chung. Bác Hồ với uy tín cao đã khéo léo kết hợp giải thích, thuyết phục và tìm cách hòa giải. Phát biểu trước hội nghị Người nhấn mạnh: “Chúng tôi cảm thấy rất sâu sắc tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa Liên Xô và Trung Quốc… Để đánh thắng kẻ thù chung chúng ta nhất định phải đoàn kết chặt chẽ”. Cuối cùng Người đã đưa hai đoàn Liên Xô, Trung Quốc đi tới đồng thuận và Tuyên bố chung của Hội nghị 81 đảng được thông qua.

Trong giao tiếp, Bác Hồ không câu nệ đối đẳng chức vụ khiến cho mọi người cảm thấy gần gũi, thân tình. Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1958, tại buổi mít tinh trước hàng vạn người ở thủ đô Delhi, các bạn Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn một chiếc ghế vàng dành riêng cho Người trên bục danh dự. Thủ tướng Ấn Độ Nehru chỉ ngồi trên một chiếc ghế bình thường và đích thân mời Bác ngồi vào chiếc ghế đó, Người đã kiên quyết từ chối. Cuối cùng Thủ tướng Nehru đành cho chuyển chiếc ghế đi và thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn. Khoảnh khắc ấy, hàng vạn người dưới quảng trường đã cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to: "Hồ Chí Minh muôn năm!".

Với vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa, tâm lý, ngôn ngữ và phong tục tập quán của nhiều dân tộc phương Đông và phương Tây, Bác thấu hiểu sâu sắc và hòa mình một cách rất tự nhiên. Khi thăm Ấn Độ (1958), trong bữa tiệc do Thủ tướng Nehru chiêu đãi Bác có món thịt gà. Người Ấn Độ khi ăn cơm không dùng thìa, dĩa mà dùng năm ngón tay để bốc thức ăn. Nhưng tại bữa tiệc quốc tế người ta phải dùng dao, thìa, dĩa cho lịch sự. Khi món thịt gà được đưa ra, Người rất tinh ý nói với Thủ tướng Nehru: “Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon chứ còn ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch”. Câu nói của Bác làm mọi người trở nên tự nhiên, vui vẻ và trở lại cách ăn bốc tay truyền thống.

Bác Hồ luôn tìm hiểu kỹ các đối tượng và rất uyển chuyển, linh hoạt trong giao tiếp. Khi cần thơ thì Người làm thơ, cần kiến thức văn học thì viết hoặc sử dụng những áng văn thơ điển hình của dân tộc và nhân loại phù hợp với từng hoàn cảnh giao tiếp. Đón Tổng thống Ghi-nê thăm Việt Nam (9/1960), Người lẩy Kiều để thể hiện tình cảm: “Bây giờ mới gặp nhau đây/ Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên”. Năm 1963, khi đón Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ sang thăm Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng đọc thơ và câu thơ đó đã trở thành biểu trưng cho quan hệ hai nước: “Mối tình thắm thiết Việt Hoa/ Vừa là đồng chí vừa là anh em”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngoài các hoạt động ngoại giao trực tiếp, Bác còn hoạt động ngoại giao rất đa dạng, phong phú như: Viết thư, ra lời kêu gọi, gặp gỡ, tiếp xúc, tham dự các tổ chức, phong trào quốc tế, trả lời phỏng vấn… Qua đó, Bác đã làm cho các nguyên thủ, lãnh đạo nhà nước hay tổ chức quốc tế, cá nhân và Nhân dân thế giới biết đến Việt Nam. Hoạt động ngoại giao của Bác còn góp phần quan trọng vào việc hình thành nhiều tổ chức, nhiều phong trào của các lực lượng tiến bộ và Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nhiệt tình ủng hộ cả tinh thần và vật chất để Nhân dân Việt Nam đấu tranh, giành và giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảm nhận văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO