Tinh giản biên chế là rất cần thiết nhưng phải có lộ trình

Tường Mạnh - Bình Minh| 16/03/2017 09:52

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, trong đó có thực hiện quy định về tinh giản biên chế là 1 trong 6 nội dung trọng tâm của công tác cải cách hành chính.

Việc tinh giản biên chế để góp phần làm gọn nhẹ bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động trong thực thi công vụ. Thế nhưng, theo các ngành, địa phương, công tác này cũng cần có lộ trình nhằm tạo sự chủ động cho các đơn vị.

Khó cũng phải làm

Ngày 17/4/2015, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 về thực hiện nghị quyết. Ngày 6/1/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.

UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 972/UBND-NC ngày 2/3/2017 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chỉnh phủ về đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.

Cụ thể, từ nay đến năm 2021, mỗi năm các cơ quan, đơn vị thực hiện giảm 1,5-2% biên chế công chức, biên chế sự nghiệp được giao năm 2015. Đối với các cơ quan, đơn vị chưa giảm được biên chế sự nghiệp năm 2016 so với biên chế được giao năm 2015 thì năm 2017 phải giảm tối thiểu 3% của biên chế được giao năm 2015.

Thực hiện tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định (phẩm chất, năng lực, sức khỏe), những người dôi dư do xác định vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức. Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng đề án tinh giản biên chế và thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Theo UBND tỉnh, trong năm 2016, thực hiện quy định về tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ, toàn tỉnh đã tiến hành tinh giản biên chế được 79 trường hợp. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện rà soát các ban chỉ đạo, tổ liên ngành trên địa bàn tỉnh và ban hành phương án kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành. Cụ thể, toàn tỉnh đã giảm từ 110 ban chỉ đạo, tổ liên ngành xuống còn 64 tổ chức; trong đó giải thể 38 tổ chức, hợp nhất 8 tổ chức.

Theo nhận định, qua thực tế cho thấy, việc thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế là hết sức khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tinh giản biên chế khi nào cũng là một việc khó vô cùng, bởi điều này ảnh hưởng tới trực tiếp quyền lợi từng cá nhân, từng cơ quan. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế khó mấy cũng phải làm, vì đất nước đang hội nhập sâu rộng quốc tế, đặt ra yêu cầu về chất lượng đội ngũ cũng như sự hoàn thiện của bộ máy công chức, viên chức Nhà nước.

Cần có lộ trình cụ thể

Ông Trần Đình Ninh, Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa cho biết, trong năm 2016, tỉnh đã thống nhất giao cho thị xã Gia Nghĩa tổng số 123 cán bộ, công chức. Thế nhưng, sau đó, các ngành lại tham mưu cắt của thị xã 7 cán bộ, công chức. Việc đột ngột cắt một lúc 7 cán bộ, công chức ở các phòng, ban khiến cho thị xã bị động và rất lúng túng.

Ông Ninh cho biết thêm: “Thị xã buộc phải chuyển các cán bộ, công chức này xuống xã, phường. Thị xã đồng ý việc thực hiện tinh giản biên chế là rất cần thiết, có thể rút số lượng cán bộ, công chức từ 116 người hiện nay xuống còn 100 người cũng có thể thực hiện được, nhưng công tác này phải có thời gian và lộ trình cụ thể nhằm bảo đảm tính hiệu quả và chủ động”.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2017 mới đây, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn yêu cầu việc thực hiện tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Trung ương phải triển khai nghiêm túc. Tuy nhiên, công tác này cũng phải có lộ trình để thực hiện, không được máy móc cắt giảm chỗ này một ít, chỗ khác một ít mà phải tạo sự chủ động cho các ngành, địa phương thực hiện chính sách này. Bởi theo quy định, các cán bộ, công chức bị tinh giản ngoài vấn đề sức khỏe không bảo đảm thì phải có điều kiện 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh trong năm 2017, công tác tinh giản biên chế phải được triển khai thực hiện một cách quyết liệt hơn. Thực tế hiện nay, tỉnh đang có nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp hoạt động không có hiệu quả nhưng vẫn tồn tại và tiêu tốn nhiều tiền của ngân sách nhà nước. Vì thế, UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở Nội vụ trong thời gian tới soát xét lại hoạt động, vị trí việc làm, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị hành chính công lập. Đội ngũ cán bộ xã, phường sẽ thực hiện tinh gọn hơn nữa nhằm giảm về số lượng, tăng mức phụ cấp cho họ và đồng thời nâng cao hiệu quả thực thi công vụ.

Công tác giảm biên chế là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm hiện thực hóa nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị định của Chính phủ. Quá trình thực hiện cần có sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, khi tiến hành cắt giảm biên chế, ngành Nội vụ phối hợp với các đơn vị liên quan, lựa chọn phương án sao cho phù hợp, hiệu quả.

Vì vậy, UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện tinh giản biên chế; nếu không hoàn thành kế hoạch tinh giản biên chế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải bị xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh giản biên chế là rất cần thiết nhưng phải có lộ trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO