Thúc đẩy cải cách hành chính để nâng cao chất lượng giáo dục

Nguyễn Hiền| 28/04/2017 10:24

Những hạn chế trong thực hiện cải cách hành chính (CCHC) là một trong những “rào cản” trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và chất lượng giáo dục. Vì vậy, mới đây, ngành Giáo dục đã đưa ra quyết tâm thực hiện CCHC và cụ thể hóa thành “Kế hoạch cải cách hành chính lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2016-2020”.

Mức độ hài lòng còn đạt thấp

Theo đánh giá của ngành Giáo dục, mặc dù đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, nhưng việc thực hiện CCHC vẫn còn nhiều hạn chế. Báo cáo kết quả thực hiện CCHC năm 2016 của Sở Giáo dục - Đào tạo cho thấy, một số phòng, ban chuyên môn thực hiện chưa tốt mô hình “một cửa liên thông”, phần nào ảnh hưởng đến thời gian, chất lượng kết quả xử lý công việc của tổ chức và công dân.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp thông tin và các thủ tục hành chính (TTHC) chưa đáp ứng tối đa yêu cầu của công dân và tổ chức. Tỷ lệ trường học áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy còn hạn chế, nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ giáo dục ở nhiều trường học còn hạn chế. Điển hình, qua kết quả điều tra, khảo sát của UBND tỉnh năm 2016 cho thấy, mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ giáo dục tiểu học công lập còn đạt thấp.

Cụ thể, về việc tiếp cận thông tin về hoạt động giáo dục của nhà trường thì chỉ có 25% phụ huynh cho rằng dễ dàng, thuận tiện. Về thực hiện thủ tục nhập học và chuyển trường cho học sinh chỉ có 45,5% phụ huynh đánh giá là hài lòng; trong đó huyện Đắk Mil có tỷ lệ phụ huynh không hài lòng cao nhất, chiếm 13%. Nguyên nhân phụ huynh không hài lòng khi thực hiện các thủ tục chủ yếu là do cán bộ thiếu nhiệt tình, phải đi lại nhiều lần chiếm 40%; do thông tin chậm và không rõ ràng chiếm trên 33%; thủ tục còn rườm rà, thời gian chờ đợi lâu chiếm 30%.

Qua khảo sát về chất lượng đội ngũ giáo viên, chỉ có 49% phụ huynh hài lòng về thái độ, tác phong giao tiếp của giáo viên với học sinh. Trong khi đó, có đến 48% phụ huynh đánh giá ở mức bình thường và không hài lòng. Chỉ có  53% phụ huynh hài lòng về quá trình giáo dục của nhà trường.

CCHC để tạo “luồng sinh khí” mới

Theo ông Trần Sĩ Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, trước những khó khăn, hạn chế, ngành Giáo dục đã quyết tâm thực hiện các giải pháp cụ thể về thực hiện CCHC để tạo “luồng sinh khí” mới trong công tác quản lý. Ngành đã cụ thể hóa những mục tiêu, nhiệm vụ trong “Kế hoạch cải cách hành chính lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2016-2020”. Mục đích mà toàn ngành hướng tới là phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, đúng thời gian quy định và bảo đảm yêu cầu.

 Theo đó, toàn ngành phấn đấu đến năm 2018, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật được cập nhật thường xuyên trên website theo hướng dễ tra cứu, dễ nắm bắt thông tin. Về CCHC, đến cuối năm 2017, 100% văn bản quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ giáo dục liên quan đến giao dịch của cá nhân, tổ chức với Sở GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc được cụ thể hóa bằng TTHC. Đến năm 2020, toàn ngành xây dựng xong phần mềm tiếp nhận và trả kết quả TTHC tại bộ phận “một cửa” và cung ứng 100% TTHC có tính chất nội bộ.

Hàng năm, 100% các TTHC được rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo hướng dễ thực hiện, thuận tiện, rút ngắn thời gian giải quyết, nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định. Sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của Sở GD-ĐT và các dịch vụ giáo dục đạt mức trên 95%. Các đơn vị tiếp tục triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 trên một số lĩnh vực trong toàn ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy cải cách hành chính để nâng cao chất lượng giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO