Nhận thức đầy đủ về công tác cải cách hành chính

Bình Minh| 28/04/2017 10:31

Tại hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương nhận thức đầy đủ hơn về nhiệm vụ trọng tâm CCHC, tránh tình trạng hiểu lệch CCHC chỉ là cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện đã tập trung nhiều về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, cũng như các kiến nghị về cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Trong khi đó, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” chỉ là 1 trong 6 nội dung trọng tâm của công tác CCHC. 6 nhiệm vụ trọng tâm của công tác CCHC bao gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách công vụ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính nhà nước. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm này thì nhiệm vụ nào cũng được xác định là quan trọng.

Đồng chí Cao Huy, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương cần hiểu đúng, đủ về công tác CCHC. 6 nhiệm vụ trong công tác CCHC đều quan trọng như nhau nên các ngành, địa phương cần hiểu đúng, tránh tình trạng do nhận thức chưa đầy đủ dẫn đến thực hiện các nhiệm vụ bị lệch nhau, không bảo đảm được mục tiêu chung đề ra.

Qua thực tế cho thấy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác CCHC đã có sự chuyển biến rõ rệt hơn. Tuy nhiên, nhận thức này đến nay vẫn là chưa đầy đủ và chưa triệt để. Nghị quyết số 07-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 của Tỉnh ủy đã nêu rõ: Nhận thức về cải cách hành chính, về công vụ, công chức chưa tốt, có nơi còn xem nhẹ.

Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém trên thì có nhiều, nhưng trước hết đó là do một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, nhà nước về công tác CCHC.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa chủ động, gương mẫu, quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC; chưa gắn kết chặt chẽ CCHC với nhiệm vụ chính trị, với quy chế dân chủ cơ sở. Tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết các thủ tục hành chính chưa cao. Việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời...

Có thể nói, công tác CCHC phải được tiến hành đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác CCHC ở từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm đầy đủ các nội dung, lĩnh vực, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Việc nhận thức đúng, đầy đủ và thực hiện toàn diện công tác CCHC có vai trò rất quan trọng. Trong đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong nền hành chính cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ để xác định nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và thực hiện hiệu quả công tác CCHC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận thức đầy đủ về công tác cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO