Bình đẳng giới bắt đầu từ ngay trong mỗi gia đình

Vũ Trang| 26/05/2020 08:32

Những năm qua, công tác bình đẳng giới đã từng bước được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và người dân về vai trò và vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

ADQuảng cáo

Cùng vượt qua rào cản về định kiến giới

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Nương (31 tuổi) và anh Hoàng Văn Tuyến (32 tuổi) ở phường Nghĩa Thành (TP. Gia Nghĩa) đều là cán bộ, công chức. Ngoài việc nỗ lực, phấn đấu trong công việc, cả hai vợ chồng đều cố gắng dành thời gian để chăm sóc gia đình. Hai vợ chồng cưới nhau được hơn 5 năm và đã có hai con gái. Mỗi buổi sáng thức dậy, trong khi vợ chuẩn bị thức ăn sáng thì anh Tuyến lại giúp các con vệ sinh cá nhân. Chiều đi làm về, khi chị Nương tất bật bếp núc thì anh Tuyến lo tắm rửa cho con, phụ vợ dọn dẹp nhà cửa, tưới cây...

Nhân viên y tế tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trên địa bàn xã Nghĩa Thắng (Đắk R'lấp)

Theo lời kể của chị Nương, hồi mới cưới nhau, hai vợ chồng cũng thường xuyên tranh cãi về việc phân công lao động trong gia đình. Mỗi khi anh Tuyến giúp vợ giặt đồ, rửa chén…, nhà chồng cũng có "lời ra tiếng vào", cho rằng làm như thế là “không đáng mặt đàn ông”. Những lúc đó, anh Tuyến cũng hay cáu giận với vợ.

Tuy nhiên, sau khi chị Nương sinh con được 6 tháng và đi làm trở lại, công việc cơ quan, việc nhà, việc chăm sóc con cái… chiếm hết quỹ thời gian của chị. Thấy vợ vất vả, anh Tuyến từ từ thay đổi suy nghĩ, không để ý đến những lời bàn tán của mọi người, bắt đầu chia sẻ, giúp đỡ vợ tất cả mọi việc trong gia đình.

Chị Nương cho biết: “Thực tế từ câu chuyện gia đình, mình nhận thấy, vấn đề gì cũng cần có thời gian, bình đẳng giới cũng vậy. Theo mình, trong gia đình, nếu hai vợ chồng vượt được qua rào cản về định kiến giới, về quan điểm “nam trưởng, nữ phó” thì cuộc sống sẽ yên ổn và hạnh phúc. Đặc biệt, người phụ nữ sẽ có thời gian chăm sóc bản thân và phấn đấu, khẳng định năng lực trong công việc xã hội”.

Từ những điều đơn giản, nhỏ nhặt nhất

Khái niệm bình đẳng giới tưởng chừng cao xa, nhưng đối với vợ chồng anh Đỗ Thành Tâm và chị Nguyễn Thị Lan ở phường Quảng Thành (TP. Gia Nghĩa) thì lại hết sức bình dị, đời thường. Cưới nhau gần 3 năm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mỗi ngày, vợ chồng chị phải gửi con nhà ông bà ngoại và chở nhau đi làm. Tối về, hai vợ chồng cùng giúp đỡ nhau nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc con. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng anh chị lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan. Khi được hỏi về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, chị Lan chia sẻ: “Nói thật, chúng tôi không hiểu biết nhiều nên không biết định nghĩa thế nào là bình đẳng giới. Nhưng tôi nghĩ, trong gia đình, vợ chồng biết chia sẻ và quan tâm lẫn nhau là bình đẳng rồi”.

ADQuảng cáo

Trao đổi về vấn đề bình đẳng giới, chị Nguyễn Hoàng Hải Yến ở phường Nghĩa Trung (TP. Gia Nghĩa) cũng chia sẻ: “Không chỉ trong cuộc sống vợ chồng mà vấn đề bình đẳng giới còn thể hiện ngay trong những cách ứng xử nhỏ nhất của ông bà, cha mẹ với con cái”.

Các bạn nam và bạn nữ phải được đối xử bình đẳng trong học tập, vui chơi, giúp đỡ bố mẹ việc nhà và tham gia các hoạt động khác

Theo chị Yến, gia đình chị có một cậu con trai lớn và cô con gái nhỏ đang ở tuổi học tiểu học. Chồng chị là con trai một, lại sống chung với bố mẹ chồng nên nhiều lúc, ông bà thường dành sự quan tâm cho đứa cháu trai. Đôi khi, do vô ý nên bản thân chị cũng không chú ý đến suy nghĩ của con cái. Trong hầu hết các việc lặt vặt trong gia đình như quét nhà, phụ mẹ nấu cơm hay lấy giúp mẹ thứ gì đó..., chị đều nhờ vả con gái. Mỗi lần cháu làm sai, chị lại la mắng để cháu làm lại. Và có một lần, con gái chị khóc và nói “Tại sao mọi người trong nhà đều yêu quý anh hơn con?”, “Tại sao việc gì mẹ cũng nhờ con làm, còn anh thì không?”, “Tại sao con luôn bị mẹ mắng?”… Những câu hỏi của con gái làm chị Yến phải suy nghĩ lại về cách ứng xử của bản thân với con cái, mặc dù đôi khi chỉ là những việc nhỏ nhặt nhất.

Chị Yến cho biết: “Ngay chính từ những điều tưởng chừng giản đơn như vậy, nhưng đã khiến cho bọn trẻ hình thành lối suy nghĩ không tích cực ngay từ khi còn bé. Con trai thì cho rằng việc giúp đỡ ông bà, bố mẹ làm việc nhà là việc của con gái mà không phải việc của mình. Rồi chính những đứa con gái trong gia đình cũng bắt đầu hình thành quan niệm việc nhà là việc của phụ nữ. Từ câu chuyện của bản thân, tôi nhận thấy vấn đề bình đẳng giới cần phải được quan tâm từ những điều đơn giản, nhỏ nhặt nhất”.

Để thúc đẩy bình đẳng giới, các cấp, các ngành và mỗi người dân cần phải tiếp tục thay đổi cả nhận thức và hành động, vượt qua rào cản về “định kiến giới”. Về phía mỗi gia đình, vợ chồng phải cùng nhau chia sẻ việc nhà, chăm sóc và giáo dục con cái, bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình cũng như trong việc sử dụng nguồn thu nhập chung của cả hai và quyết định các nguồn lực trong gia đình…

Thay đổi cả nhận thức và hành động

Thực tế, thời gian qua, với những nỗ lực tuyên truyền, câu chuyện về bình đẳng giới đã được nhiều gia đình, cộng đồng nhận thức đúng. Tuy nhiên, ở đâu đó, vấn đề định kiến giới vẫn tồn tại, đặc biệt là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, vấn đề bạo lực gia đình... Nhiều gia đình, nhất là ở vùng nông thôn vẫn còn quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đàn ông là trụ cột gia đình còn phụ nữ giữ trọng trách sinh con, đẻ cái, chăm sóc việc nội trợ cho gia đình... Suy nghĩ này đã làm cho không ít phụ nữ chấp nhận “an phận” và trở thành “rào cản” để phụ nữ được bình đẳng, được tự tin khẳng định vai trò, năng lực của bản thân trong xã hội.

Cha mẹ cần đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, vui chơi, giúp đỡ bố mẹ việc nhà và tham gia các hoạt động khác. Điều quan trọng là bản thân phụ nữ cần nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng trong công việc và cuộc sống, tự tin khởi nghiệp, lập nghiệp, nỗ lực vươn lên khẳng định vị trí và vai trò của bản thân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình đẳng giới bắt đầu từ ngay trong mỗi gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO