Lý Sơn - nơi đầu sóng ngọn gió

Ghi chép của Nguyễn Hiền| 29/08/2014 14:21

Mới đây, cùng Đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo ngành ngân hàng tỉnh Đắk Nông đi thăm và tặng quà cán bộ, quân và dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), chúng tôi đã có dịp hiểu được phần nào về cuộc sống, sự vươn lên của người dân ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Hồi hộp lạ lẫm và xúc động là cảm giác chung của các thành viên trong đoàn khi lần đầu tiên được đi tàu ra thăm huyện đảo.

ADQuảng cáo

Lý Sơn nằm về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý (24 km), đi tàu gần 1 tiếng đồng hồ là tới; bao gồm 2 đảo: đảo lớn (cù lao Ré) và đảo nhỏ (cù lao bờ bãi), với các xã: An Hải, An Vĩnh và An Bình, có khoảng 4.100 hộ với trên 21.000 dân.

Theo lãnh đạo UBND huyện Lý Sơn cho biết thì khai thác hải sản là một trong những thế mạnh và là nguồn thu ngân sách lớn nhất của địa phương từ nhiều năm nay. Hiện nay, cả đảo có khoảng trên 420 tàu thuyền lớn nhỏ chuyên đánh bắt hải sản, thu hút trên 3.600 lao động tham gia.

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải

Cùng với nghề biển, trồng hành, tỏi cũng là thế mạnh của bà con nơi đây. Nhắc đến Lý Sơn là nhắc đến “Vương quốc của tỏi”, vì từ lâu đã nức tiếng khắp nơi bởi hương vị thơm ngon đặc trưng. Củ tỏi có từng tép nhỏ, đều, mùi vị thơm, cay, dịu và có tác dụng chữa bệnh.

Theo một số bà con trồng tỏi thì điều quan trọng làm cho tỏi Lý Sơn trở nên đặc biệt là ở sự công phu trong cách làm đất để trồng. Trên nền đất cát khô cằn, họ phải rải lên những lớp cát san hô được lấy từ bờ biển rồi tiếp tục phủ lên một lớp cát trắng. Sau mỗi mùa, lớp cát cũ lại được cào bỏ và lớp cát mới được thay thế.

Chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn 2, xã An Hải tâm sự: “Ở đây ít hay nhiều thì hầu như nhà nào cũng trồng tỏi. Vì hầu như là đất cát trắng nên việc trồng và chăm sóc tỏi rất vất vả, người trồng phải bỏ ra rất nhiều công sức chăm bón và nếu không làm đúng cách thì tỏi không cho năng suất, chất lượng cao được. Có lẽ sự khắc nghiệt của thời tiết, đất cát, cộng với sự cần cù lao động của người dân đã chắt chiu, kết tinh thành hương vị riêng của củ tỏi Lý Sơn đó".

Bên cạnh tỏi, hành Lý Sơn cũng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thị trường, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế của người dân. Khách đến Lý Sơn về hầu như ai cũng mang thêm theo trong hành lý một ít hành, tỏi để làm quà.

Đặc biệt, Lý Sơn còn có rất nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, vì được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh hoang sơ, độc đáo cũng như có những di tích có giá trị lớn về mặt lịch sử. Trong đó, có 4 điểm di tích được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia là Chùa Hang, Đình làng An Vĩnh, Đình làng An Hải, Âm linh tự - Mộ lính Hoàng Sa.

Vào năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Với các giá trị truyền thống vật thể và phi vật thể, nhất là hệ thống đình, chùa, nhà lưu niệm, bảo tàng lưu giữ những kỷ vật về hải đội Hoàng Sa vẫn còn hiện hữu ở đảo Lý Sơn luôn là những tư liệu lịch sử quý giá khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam…Đây cũng là niềm tự hào và là cơ sở để người dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng và nhân dân cả nước nói chung quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu.

Đánh bắt cá là nghề chính ở huyện đảo Lý Sơn

ADQuảng cáo

Khi đến thăm hỏi, tặng quà, động viên ngư dân huyện đảo Lý Sơn bị phía Trung Quốc đánh phá tàu khi đi biển, qua những câu chuyện của họ, chúng tôi biết được, ngư dân nơi đây không chỉ hứng chịu sóng gió, thời tiết khắc nghiệt mà còn phải đối mặt với bao nỗi nhọc nhằn, nguy hiểm trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển.

Thế nhưng, một phần vì nghề biển là nghề gắn bó từ bao đời nay, nhưng quan trọng hơn là để góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nên bà con vẫn bất chấp hiểm nguy, rong ruổi mưu sinh trên các ngư trường của đất nước.

Đặc biệt, trong những ngày phía Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhiều tàu, thuyền của ngư dân Lý Sơn đã bị phía Trung Quốc xâm hại, nhưng bà con vẫn kiên cường ngày đêm bám biển. Ngay thời điểm khi chúng tôi ra thăm đảo Lý Sơn, việc đánh bắt hải sản của bà con cũng còn đối mặt với nhiều áp lực rất lớn.

Anh Lê Khởi ở xã An Hải-một trong những thuyền trưởng kỳ cựu, tâm sự: “Mặc dù cái giàn khoan hạ đặt trái phép của phía Trung Quốc đã rút đi, nhưng khi ra biển, bà con vẫn còn bị họ đe dọa không ít. Bản thân tôi vừa bị phía Trung Quốc bắt và đánh đập, bỏ đói nhiều ngày mới được thả về, thuyền thì bị đập phá. Điều đáng mừng là với sự động viên, hỗ trợ của các cấp chính quyền, nhân dân cả nước, ngư dân nơi đây vẫn luôn bám biển, tiếp tục ra khơi để mưu sinh và quan trọng hơn là để khẳng định cho phía Trung Quốc biết đây chính là vùng biển chủ quyền của Việt Nam”.

Một vùng chuyên canh tỏi ở xã An Hải (Lý Sơn)

Theo ông Phạm Hoàng Linh, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn thì với đặc thù của vùng đảo nên huyện cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển đi lên. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự đầu tư của Nhà nước và sự quyết tâm vươn lên của người dân nên Lý Sơn đang từng bước thay da đổi thịt.

Quốc phòng - an ninh được chú trọng thực hiện để bảo vệ chủ quyền cũng như cảnh giác trước các âm mưu của các thế lực thù địch. Việc học tập của con em luôn được bà con quan tâm nên 100% trẻ trong độ tuổi đều được đến trường, không có học sinh bỏ học giữa chừng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từng bước được nâng cao.

Đặc biệt, vào tháng 10 tới, huyện đảo Lý Sơn sẽ có điện lưới quốc gia nhờ tuyến điện ngầm đang được đầu tư xây dựng. Đây sẽ là cơ hội để Lý Sơn tiếp tục vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, phát triển hơn nữa về mọi mặt, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chia tay Lý Sơn, mùi biển mặn chát cùng cái nắng chói chang và tình cảm nồng hậu của bà con như muốn níu chân du khách. Trong tiếng sóng vỗ rì rào, như nghe thấy tiếng thơ ngân vang trên từng ngọn sóng:

“Đảo Lý Sơn quê hương ta đó
Sóng dạt dào bãi cát trắng quê hương
Khi ánh trùng dương vừa tỏa nắng hồng
Bầy cò trắng nhẹ lồng trong nắng sớm…”

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lý Sơn - nơi đầu sóng ngọn gió
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO