Biển Đông - ngã ba đường quốc tế

17/05/2017 08:03

Biển Đông là tên do người Việt Nam xưa đặt cho một biển rìa, nửa kín, nằm ở phía tây Thái Bình Dương và phía Đông nước ta. Tên gọi Biển Đông đã đi vào ca dao Việt Nam không biết từ bao giờ - “Thuận vợ thuận chồng Biển Đông tát cạn, thuận bè thuận bạn tát cạn Biển Đông”.

ADQuảng cáo

Nó cũng đã được ghi trong cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi năm 1435 thời vua Lê Thánh Tông. Biển Nam Trung Hoa là tên tiếng Anh của Biển Đông do Tổ chức Thủy đạc Quốc tế đặt dựa vào địa danh của một quốc gia ven biển có diện tích lãnh thổ đất liền lớn nhất, nhưng không đồng nghĩa với quốc gia đó phải có diện tích biển lớn nhất hoặc đường bờ biển dài nhất. Cho nên, tên gọi này không hàm ý về chủ quyền như một số phát ngôn ngộ nhận gần đây. Nam Hải là tên gọi Biển Đông của người Trung Quốc và Biển Tây là tên gọi của người Philipin (từ năm 2011).

Hòn Chồng - Nha Trang. Ảnh tư liệu

Biển Đông là một trong 6 biển lớn trên thế giới và là biển lớn thứ 2 sau Biển San Hô (Coral Sea) ở phía đông bắc Australia. Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, gồm 2 vịnh (gulf) lớn là vịnh Bắc Bộ và vịnh Thái Lan, trải rộng từ 30 đến 260 vĩ Bắc và từ 1000 đến 1210 kinh Đông.

Chiều dài Biển Đông trên 3.000 km, chiều rộng tới 1.000 km, lớn gấp 1,5 lần Địa Trung Hải và 8 lần Hắc Hải. Độ sâu bình quân của Biển Đông là 1.140m và khối lượng nước khoảng 3,928.106 km3. Diện tích thềm lục địa ở Biển Đông thuộc loại rộng nhất thế giới với độ sâu bình quân gần 100m.

Khoảng 90% chu vi của Biển Đông được bao bọc bởi đất liền với 9 quốc gia – Việt Nam, Trung Quốc, Philipin, Inđônêxia, Brunây, Malayxia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và một vùng lãnh thổ là Đài Loan. Khoảng gần 300 triệu dân của 9 quốc gia và vùng lãnh thổ này có sinh kế hàng ngày phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên từ Biển Đông.

Mặc dù là một biển rìa lục địa (marginal sea) nhưng Biển Đông lại mang những nét đặc trưng cơ bản của đại dương với sự tồn tại (theo độ sâu) của một “bồn trũng nước sâu” kiểu đại dương với diện tích 1,745 triệu km2, chiếm khoảng 49,8% diện tích toàn bộ đáy Biển Đông và cả độ sâu trung bình 2.000m.

Phần diện tích  1,755 triệu km2 còn lại thuộc về khu vực biển nông với các thềm lục địa rộng lớn, chiếm khoảng 50,2%. Hình thái – cấu trúc của bồn trũng nước sâu này có dạng một “lưỡi bò” ví trục chính chạy theo tuyến đông bắc – tây nam, mà trên bình đồ, về cơ bản, trùng với yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” 9 khúc đứt đoạn do Trung Quốc vẽ và công bố quốc tế vào năm 2009.

Bồn trũng nước sâu này cung cấp tiền đề cho việc tìm kiếm các loại hình khoáng sản nguồn gốc đại dương (như kết hạch quặng đa kim, băng cháy, bùn khoáng, phophorit, nguồn địa nhiệt,…) và nguồn lợi hải sản thích nghi với môi trường sinh thái kiểu đại dương (như cá ngừ,…).

Khối nước khổng lồ với bề dày khoảng 2.000 m của bồn trũng nước sâu đã tác động qua lại mạnh mẽ với khối khí quyển bên trên Biển Đông và tạo ra các “nhiễu loạn nội vùng”. Điều này khiến cho các dự báo ngắn hạn về diễn biến thời tiết và thiên tai (đặc biệt bão nhiệt đới) trong khu vực gặp nhiều khó khăn và thiếu độ chính xác mong muốn.

Biển Đông là “cầu nối” hai đại dương, nối châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á thông qua tuyến hàng hải quốc tế “huyết mạch” Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, điểm gần nhất đi qua Biển Đông cách Côn Đảo của nước ta chừng 35 km. Hàng ngày có khoảng 200 – 300 tàu các loại qua lại Biển Đông trên tuyến hàng hải quốc tế nói trên, chủ yếu là tàu vận tải dầu khí, trong đó khoảng 50% tàu có trọng tải hơn 5.000 tấn và hơn 10% tàu có trọng tải 30.000 tấn trở lên.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, trong phạm vi Biển Đông còn có 5 tuyến hàng hải cấp khu vực và nhiều tuyến hàng hải cấp quốc gia. Chính vì thế, Biển Đông được xem là tuyến giao thông đường biển quốc tế nhộn nhịp thứ hai trên thế giới, sau Địa Trung Hải, với mật độ tàu thuyền đi lại dày đặc hơn.

Hơn 90% lượng vận tải thương mại trên thế giới thực hiện bằng đường biển và 60% trong số đó phải đi qua Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama.

Khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng lớn và hiện đại cấp thế giới nằm trong khu vực Biển Đông là cảng Singapore và Hong Kong. Vị trí của Biển Đông tạo thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế giữa nước ta với thế giới, đặc biệt với khu vực châu Á – Thái Bình Dương – một khu vực phát triển kinh tế năng động ở thế kỷ 21...

Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng như eo Malaca (phía Tây Nam), eo Đài Loan và Luzon (phía Đông Bắc) - là các cửa ra vào chính của Biển Đông với nhiều tàu qua lại hàng ngày. Đặc biệt, eo Malaca là eo biển nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới sau eo biển Hormuz (Iran). Do đó, Biển Đông cực kỳ quan trọng đối với tất cả các nước trong và ngoài khu vực về địa chiến lược, an ninh biển, giao thông đường biển và kinh tế biển.

Nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á và Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào các tuyến đường biển cắt qua vùng biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Trung Quốc. Khoảng 70% sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu và 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản vận chuyển qua Biển Đông.

Trung Quốc có 29/39 tuyến hàng hải trong Biển Đông với khả năng vận chuyển khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của nước này. Hoa Kỳ mặc dù nằm rất xa Biển Đông, nhưng vẫn coi khu vực này là con đường thông thương chiến lược chính và luôn khẳng định Mỹ có “lợi ích” ở đây theo Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc 1982 (Công ước Luật Biển – UNCLOS – 1982).

Khu vực biển này luôn là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng truyền thống của các nước lớn trong lịch sử. Đồng thời đây cũng là nơi tích tụ, tập trung các mô hình chính trị, kinh tế, xã hội; nơi giao thoa văn hóa và hội tụ của các nền văn minh đa dạng của khu vực và trên thế giới, như: văn minh Ấn Độ, văn minh Trung Hoa, văn minh Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo.

Đặc biệt, trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ ven Biển Đông, thì 9 quốc gia có yêu sách đòi hỏi về chủ quyền biển đảo, tạo nên tranh chấp đa phương và song phương, chứa đựng các mâu thuẫn cả về đối ngoại, kinh tế, quốc phòng và an ninh.

Các dạng tranh chấp cũng khác nhau, như tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán (tức là tranh chấp về vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa); tranh chấp về tài nguyên biển; tranh chấp đảo và bãi cạn và tranh chấp vùng trời trên biển (vùng thông báo bay – FIR). Những tranh chấp như vậy ở Biển Đông kéo dài và phức tạp thứ hai và là khu vực có tranh chấp nhiều bên nhất trên thế giới.

Hình thức và quy mô triển khai các hành động nhất quán của Trung Quốc trên Biển Đông là kết quả bành trướng của một cường quyền chính trị để thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” – độc quyền khai thác tài nguyên và độc chiếm Biển Đông. Các nhà quan sát phương Tây cho rằng việc hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa” sẽ là những “cơn ác mộng” cho các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong chuỗi các sự kiện Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông, đáng chú ý là họ ngang nhiên công bố ra Liên Hợp Quốc yêu sách phi lý về “Đường lưỡi bò 9 đoạn đứt khúc” vào năm 2009, chiếm 80% diện tích Biển Đông, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia láng giềng quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra những cuộc tranh chấp phức tạp, kéo dài và chứa đựng yếu tố tiềm ẩn, khó lường không chỉ liên quan đến chủ quyền vùng biển của các nước quanh Biển Đông mà còn đến các quyền tự do, trong đó có tự do hàng hải của các nước trên thế giới. Cho nên, hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và tính chất của các tranh chấp như trên không chỉ ảnh hưởng tới các nước láng giềng trong khu vực mà còn ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biển Đông - ngã ba đường quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO