Nông dân trẻ thời công nghệ

Đặng Hiền| 19/01/2018 09:38

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, hình ảnh các bạn trẻ lập nghiệp từ nghề nông, hàng ngày kiểm tra email, lướt web để nắm bắt thông tin không còn là chuyện “hiếm có, khó tìm”. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính kết nối internet, các bạn trẻ đã có thể tiếp cận, khai thác kiến thức công nghệ để áp dụng vào canh tác, chủ động kết nối thị trường, giao lưu, giúp đỡ nhau trong sản xuất.

ADQuảng cáo

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Tại thôn Tân Lợi, xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa), anh Nguyễn Tiến Dũng được biết đến là một nông dân trẻ nhanh nhẹn, dám mạo hiểm tìm hướng đi mới, vận dụng internet thành công trong sản xuất, kinh doanh. Nuôi chí làm giàu, anh Dũng luôn tìm tòi, trăn trở trồng cây gì, nuôi con gì để có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao mà phù hợp với điều kiện của gia đình. Năm 2014, anh Dũng đã quyết định chọn trồng cây dương xỉ Pháp trên 4 sào đất của gia đình làm hướng đi phát triển kinh tế.

Thông qua mạng xã hội, anh Nguyễn Tiến Dũng đã tìm được đầu ra ổn định cho cây dương xỉ Pháp

Dương xỉ Pháp vốn là một cây trồng lấy lá bán còn xa lạ với người dân ở Đắk Nông nói riêng và người dân trên cả nước nói chung. Để có kiến thức về giống cây này, anh đã mày mò tìm hiểu trên mạng cũng như lặn lội sang Lâm Đồng để thực nghiệm cách trồng và chăm sóc cây. Nhờ chịu khó học hỏi, anh đã gây giống và trồng thành công cây dương xỉ Pháp vốn chỉ quen thuộc với vùng lạnh như Lâm Đông về trồng tại Đắk Nông. Sau khi nhân giống thành công, việc tiêu thụ lại là một bài toán mới đối với anh. Bởi lẽ, ở Đắk Nông, các tiệm hoa sử dụng lá cây dương xỉ Pháp để trang trí còn khá ít và lượng tiêu thụ không đồng đều.

Trước thực tế đó, anh lại một lần nữa lên mạng internet, các diễn đàn buôn bán trên mạng xã hội tìm kiếm đầu mối tiêu thụ cho sản phẩm của mình. Nhờ cách làm này, nhiều bạn hàng từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước đã đến tận vườn nhà anh xem mô hình, đặt hàng cũng như học hỏi cách trồng, mua lại giống cây dương xỉ Pháp. Thậm chí, anh đã lập hẳn một trang page mang tên dương xỉ Pháp trên facebook để thuận tiện cho việc trao đổi thông tin, quảng bá sản phẩm của mình.

Anh Dũng cho biết: “Nhờ chào bán sản phẩm trên mạng xã hội facebook, các diễn đàn nông nghiệp, tôi đã tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình. Đến nay, tôi đã ký kết được nhiều đơn hàng thu mua lá dương xỉ Pháp ổn định với doanh thu hơn 70 triệu/tháng. Tôi cũng trở thành đầu mối cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều người nông dân trồng dương xỉ Pháp tại các tỉnh thành khác”.

Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật qua mạng xã hội

ADQuảng cáo

Với niềm đam mê nông nghiệp, sự nhiệt tình giúp đỡ mọi người, anh Đỗ Duy Nhất, ở tổ dân phố 2, thị trấn Đức An (Đắk Song) đã sử dụng mạng xã hội để kết nối, hỗ trợ kỹ thuật trồng và canh tác hồ tiêu cho nhiều nông dân khác trên cả nước.

Xuất phát là giáo viên, nhưng năm 2014, anh Nhất đã mạnh dạn đầu tư mua 5 sào đất để trồng tiêu nhằm tăng nguồn thu cho gia đình. Từ một người tay ngang làm nông nghiệp, anh Nhất gặp nhiều khó khăn về kiến thức trồng trọt. Chưa biết gì về kỹ thuật, anh phải tự mày mò, tìm hiểu sách báo, tài liệu về chăm sóc tiêu. Không những thế, anh còn chủ động liên lạc với các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp để có sự tư vấn hiệu quả nhất. Anh tích cực tham gia các diễn đàn về nông nghiệp trên mạng xã hội để có thể trao đổi, học kinh nghiệm với người trồng tiêu trên cả nước.

Anh Đỗ Duy Nhất ở thị trấn Đức An (Đắk Song) tranh thủ thời gian rảnh để đăng bài, tư vấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc hồ tiêu cho những nông dân khác thông qua facebook

Với những kiến thức học được, không chỉ phục vụ cho công việc sản xuất của gia đình, anh Nhất còn  là 1 trong 4 thành viên ban quản trị của Diễn đàn Hồ tiêu Việt Nam, với khoảng 35.000 thành viên trên facebook có cùng chung mối quan tâm về cây hồ tiêu. Mỗi ngày, sau những giờ dạy học, anh Nhất tranh thủ online để đăng tài bài, trả lời những câu hỏi, thắc mắc của các thành viên trong diễn đàn về kỹ thuật trồng và canh tác hồ tiêu.

Những trường hợp cần thiết, anh còn đi đến tận vườn của các thành viên để tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho họ. Việc vượt hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số để đến tìm hiểu nguyên nhân sâu bệnh, hướng dẫn cách khắc phục cho vườn tiêu đang bị lụi dần của những nông dân trồng tiêu khác đã trở nên quen thuộc đối với anh.

Ông Đinh Xuân Bảy, trú tại xã Nam Bình (Đắk Song) có hơn 1,5 ha tiêu kinh doanh, tháng 10 vừa qua, vườn tiêu có dấu hiệu bị bệnh chết nhanh. Nhiều vườn tiêu của các hộ xung quanh cũng bị chết hàng loạt, khiến ông Bảy vô cùng lo lắng. Thông qua Diễn đàn Hồ tiêu Việt Nam, ông Bảy đã được anh Nhất đến tận nhà xem xét tình hình dịch bệnh và hướng dẫn cách phòng trừ, hạn chế lây lan sang các cây khác trong vườn.

Không chỉ mình ông Bảy, hơn 50 thành viên khác của diễn đàn cũng được anh Nhất đến tận vườn hướng dẫn phòng, trừ dịch bệnh cho tiêu. Thông qua diễn đàn, những nông dân như ông Bảy còn được hướng dẫn cách chọn giống, bón phân, thiết kế hệ thống tưới tiêu… sao cho hiệu quả nhất. Những trường hợp xa quá không thể đến tận nơi được thì người cần giúp đỡ sẽ cung cấp thông tin, chụp lại hình ảnh để anh Nhất có sự tư vấn thích hợp.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, mạng xã hội là một kênh thông tin quan trọng và là công cụ hỗ trợ hữu ích giúp cho những nông dân liên kết với nhau trong sản xuất nông nghiệp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để đẩy mạnh sản xuất. Nhờ sự giúp đỡ đắc lực của công nghệ thông tin, của mạng xã hội, nhiều nông dân trẻ đã gắn kết, giúp đỡ nhau vươn lên làm giàu trong đời thực.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân trẻ thời công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO