Hiểu đúng mình để chọn đúng nghề

Bài, ảnh: Đặng Hiền| 16/11/2018 10:08

Chọn ngành nghề theo học như thế nào để phù hợp với bản thân, gia đình và xã hội là trăn trở của các em học sinh khối lớp 12 khi sắp bước sang một ngưỡng cửa mới của cuộc đời. Vì vậy, mới đây Tỉnh đoàn đã phối hợp tổ chức tư vấn hướng nghiệp, giúp các em học sinh Trường THPT Gia Nghĩa (Gia Nghĩa) có thêm thông tin, kiến thức để lựa chọn cho mình một ngành nghề, hướng đi phù hợp.

ADQuảng cáo

Có nhiều con đường để lập nghiệp

Tham gia buổi tư vấn, hơn 240 em học sinh khối lớp 12 đã được cung cấp những thông tin cơ bản về đặc điểm thị trường lao động của nước ta nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng, những xu hướng phát triển của xã hội ảnh hưởng đến thị trường lao động, tình hình việc làm. Các chuyên gia trong và ngoài tỉnh cũng tư vấn, định hướng cho các em những vấn đề cần lưu ý khi lựa chọn nghề theo học, lựa chọn ngành học như thế nào cho phù hợp với bản thân, năng lực, xu hướng của xã hội và điều kiện kinh tế gia đình.

Ngoài việc thông tin các ngành nghề, các em còn được giới thiệu các chính sách, những địa chỉ hỗ trợ về nghề nghiệp, việc làm đối với học sinh và thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Đồng thời, các em còn được giao lưu, đối thoại với các chuyên gia tư vấn, được giải đáp những thắc mắc liên quan đến nghề nghiệp, việc làm.

Tham gia các buổi tư vấn, các em học sinh có thông tin, kiến thức để lựa chọn cho mình một ngành nghề, hướng đi phù hợp với sở thích, khả năng bản thân và xu hướng phát triển của xã hội

Chia sẻ về những tác động tích cực khi tham gia buổi tư vấn, hướng nghiệp, em Nguyễn Thị Nhật Vy, lớp 12A1 cho biết: “Trước khi tham gia buổi hướng nghiệp hôm nay, em vẫn chưa xác định rõ ràng mục tiêu của mình là sau khi học xong lớp 12 thì sẽ học cái gì và định hướng nghề nghiệp của mình ra sao. Sau khi được hướng dẫn, chỉ dạy, em đã có suy nghĩ sẽ theo học đại học ngành maketting”.

Em Lê Đức Nam, lớp 12A1 đã đưa ra 2 phương án cho định hướng tương lai của mình, với việc đăng ký thi vào đại học kinh tế hoặc đi xuất khẩu lao động. Nam vui vẻ: “Không học đại học thì vẫn còn có nhiều con đường lập nghiệp cho mình như xuất khẩu lao động, học nghề, đến thành phố lớn để lập nghiệp…”.

Yêu thích ngành tâm lý học đã lâu, nhưng em Trần Thanh Tài, lớp 12A4 vẫn phân vân có nên theo học ngành này hay lựa chọn theo xu hướng nghề nghiệp chung hiện nay để dễ dàng có việc làm khi ra trường. Sau khi được tư vấn, phân tích những công việc có thể làm liên quan đến ngành tâm lý học, những thuận lợi, khó khăn khi theo học ngành nghề này, Tài đã tự tin hơn theo đuổi niềm đam mê của bản thân.

ADQuảng cáo

Trên thực tế, nhiều học sinh còn chọn ngành theo “xu hướng” chung, không quan tâm nghề đó học ra sao và bản thân có thật sự yêu thích hay không. Vì vậy, việc được tư vấn, động viên theo đuổi đam mê của mình như trường hợp của Tài sẽ giúp các bạn trẻ có những quyết định đúng đắn, phù hợp hơn, hạn chế những sai lầm trong con đường lập nghiệp.

Trong giai đoạn 2012-2017, tổ chức Đoàn các cấp đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho 78.635 lượt học sinh; tư vấn giới thiệu việc làm cho 60.175 thanh niên; phối hợp tổ chức tư vấn cho 8.870 lượt thanh niên xuất khẩu lao động; tư vấn hướng nghiệp cho 3.500 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ, trong đó 1.120 bộ đội, công an xuất ngũ được tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm.

Công tác định hướng rất quan trọng

Theo ông Bùi Ngọc Hoa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, công tác định hướng rất quan trọng, nhằm giúp các em học sinh hiểu đúng mình để chọn đúng nghề, có công ăn việc làm phù hợp với quá trình phát triển kinh tế của địa phương, đất nước. Đối với tỉnh Đắk Nông, với mũi nhọn là có khu công nghiệp khai thác bô xít, nhà máy luyện nhôm và các sản phẩm theo nhôm, các em nên tập trung chọn các ngành, nghề liên quan đến cơ khí, luyện kim, cơ điện, tự động hóa...

Theo anh Đoàn Văn Đông, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị Tỉnh đoàn, hàng năm, Tỉnh đoàn luôn phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo, các trường THPT tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh khối 12. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, để các em xác định được tương lai, định hướng nghề nghiệp sau này khi tốt nghiệp THPT. Năm nay, công tác tư vấn có sự đổi mới hơn, đó là chú trọng nâng cao chất lượng báo cáo viên, chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp, sinh động, tâm lý hơn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của các em học sinh, từ đó, hiệu quả tiếp thu cũng sẽ tốt hơn.

Theo ghi nhận, sau khi tham gia các chương trình tư vấn hướng nghiệp, các em cũng có những thay đổi nhiều về nhận thức, có định hướng tốt hơn, rõ ràng hơn, phù hợp hơn với mình, với điều kiện gia đình cũng như định hướng nghề nghiệp so với xu thế, nhu cầu, thị trường lao động trong tương lai.

Có thể nói, phần lớn học sinh thường chưa trưởng thành, dễ thay đổi suy nghĩ và hầu như chưa xác định rõ nghề nghiệp, tương lai của mình. Do đó, việc tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cần được triển khai liên tục nhằm dần xây dựng một góc nhìn mới của xã hội về vấn đề học nghề, việc làm. Thời gian qua, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên được thực hiện với nhiều hình thức phong phú như: Thông tin vị trí, nhu cầu tuyển dụng việc làm của các doanh nghiệp trên website, mạng xã hội; trang fanpage chuyên đăng tải các thông tin về việc làm, xuất khẩu lao động...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu đúng mình để chọn đúng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO