Đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh nêu cao văn hóa giao tiếp, ứng xử

Hoàng Hoài| 08/12/2017 10:26

Trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Đắk Nông luôn nỗ lực xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an nhân dân có lối sống trong sáng, lành mạnh, tận tụy, trách nhiệm với công việc, vì nhân dân phục vụ.

ADQuảng cáo

Nêu cao “3 trách nhiệm”

Đơn cử, Chi đoàn Phòng Cảnh sát quản lý hành chính trật tự Công an tỉnh (PC 64) có 33 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), chiếm 51% tổng số cán bộ, chiến sĩ của phòng. Phát huy vai trò của mình, ĐVTN luôn xung kích trong cải cách hành chính với nội dung “3 trách nhiệm”, làm việc ngày thứ 7, chủ nhật, rút ngắn thời gian cấp phát các loại giấy tờ cho nhân dân về lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, đăng ký quản lý con dấu, cấp phát chứng minh nhân dân (CMND)…

Đội lưu động PC64 về tận xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) làm CMND cho người dân, xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân vì dân phục vụ. Ảnh: Phan Tuấn

Đối với con dấu, theo quy định giải quyết trong vòng 4 ngày, hiện nay chỉ 1-2 ngày là xong. Trước đây, để làm CMND, người dân phải lên tận nơi, rồi đến ngày hẹn lại lên lấy. Với những địa bàn gần thì thuận lợi, còn những địa bàn xa như Krông Nô, Chư Jút đi lại nhiều, vừa mất công, tốn kém kinh phí.

Để giảm phiền hà cho nhân dân, Tổ công tác CMND phối hợp với Bưu điện tỉnh tiếp nhận, làm thủ tục trả CMND đến tận nhà cho bà con. Đặc biệt, PC 64 đã tổ chức đội lưu động đến tận các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, các trường THPT trên địa bàn tỉnh để cấp phát CMND, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian cho nhân dân.

Trong quá trình làm CMND lưu động, đội còn thành lập một tổ công tác cầm theo tờ khai, bàn lăn dấu vân tay, tài liệu, phối hợp với công an các xã rà soát những trường hợp già yếu, bệnh tật, khó khăn để đến tận nhà làm thủ tục cấp CMND. Thời gian làm CMND cũng được rút ngắn, đối với địa bàn thị xã trước quy định 10 ngày, nay còn 5 ngày, ở cấp huyện từ 15 ngày giảm xuống còn 10 ngày.

Làm hết việc chứ không hết giờ

Với phương châm “làm hết việc chứ không hết giờ, tất cả vì nhân dân phục vụ”, Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm túc điều lệnh của công an nhân dân, xây dựng văn hóa, ứng xử thân thiện với nhân dân. Khi người dân đến đăng ký quản lý phương tiện, ĐVTN luôn có thái độ niềm nở, tận tình hướng dẫn viết biểu mẫu đúng quy định. Công tác cấp biển số được công khai minh bạch, rút ngắn thời gian đăng ký cấp, trả biển số, giấy chứng nhận đăng ký ngay trong ngày (rút ngắn từ 3 ngày xuống còn 1 ngày).

ADQuảng cáo

Nắm bắt được tâm lý của người vi phạm khi đến giải quyết xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ĐVTN ở bộ phận tiếp dân luôn nhiệt tình, niêm yết công khai mức xử phạt theo quy định, giải quyết biên bản trong thời gian nửa ngày. Ngoài việc bố trí làm thêm ngày thứ 7, ĐVTN còn tăng ca làm ban đêm, nhập các dữ liệu biên bản xử phạt vi phạm hành chính do các đội tuần tra bàn giao, in sẵn quyết định và sắp xếp theo thứ tự khoa học để khi người dân đến xử phạt không phải chờ lâu.

Đội lưu động PC64 về tận xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) làm CMND cho người dân, xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân vì dân phục vụ. Ảnh: Phan Tuấn

Phải luôn học hỏi, hoàn thiện bản thân

Theo anh Phan Văn Hùng, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song trên thực tế vẫn còn một số ĐVTN trong thực hiện giao tiếp với đồng nghiệp, nhân dân thiếu chuẩn mực. Vì vậy, mới đây, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đã tổ chức buổi tọa đàm về chuyên đề “Nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử trong đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh” nhằm thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.

Tại buổi tọa đàm, đông đảo cán bộ, ĐVTN đã chia sẻ và gợi ý một số giải pháp để nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử cho thanh niên. Theo anh Nguyễn Sỹ Nam, Phó Đội trưởng Đội Hộ khẩu-CMND (PC64), cấp ủy, lãnh đạo đơn vị cần tăng cường công tác giáo dục ý thức, chính trị tư tưởng cũng như xử lý nghiêm đối với những cán bộ, chiến sĩ có hành vi vi phạm, có thái độ không đúng mực khi tiếp xúc với nhân dân.

Bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải tự trau dồi cho mình kiến thức nghiệp vụ, pháp luật để nâng cao bản lĩnh chính trị trong công tác và xử lý tình huống. Bởi, chiến sĩ có nắm chắc kiến thức, kỷ luật nghiệp vụ thì mới bình tĩnh, xử lý tình huống khéo léo và đúng pháp luật.

Theo anh Dương Văn Tài, Bí thư Chi đoàn Trại tạm giam Công an tỉnh, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần cứng về nghiệp vụ, giàu lòng nhân ái, cảm hóa giáo dục đối tượng. Để cảm hóa đối tượng, yên tâm cải tạo tốt, hòa nhập cộng đồng thì phải căn cứ vào đặc thù mỗi đối tượng để có cách thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp. Người cán bộ quản giáo tâm huyết với nghề cần ứng xử, cảm hóa bằng tình cảm giữa con người với con người.

Nhiều ĐVTN khác cho rằng, khi tiếp xúc với đồng nghiệp, với nhân dân thì cần có thái độ niềm nở, lịch sự và tôn trọng, xem mình là người phục vụ chứ không phải là “quan nhân dân”. Như trong công tác xử phạt hành chính hay làm các thủ tục giấy tờ, nếu cán bộ, chiến sĩ chịu khó lắng nghe vướng mắc, tôn trọng người dân, tận tình giải đáp, hướng dẫn cách làm thì chắc chắn nhân dân sẽ tôn trọng lại mình…

Mỗi hành vi, cử chỉ, lời nói hay thái độ ứng xử của cán bộ, chiến sĩ, ĐVTN là thước đo văn hóa, năng lực công tác, tư cách đạo đức cách mạng cũng như uy tín của lực lượng công an nói chung. Do đó, thực hiện văn hóa giao tiếp, ứng xử không chỉ giúp mỗi ĐVTN hoàn thiện bản thân mà còn góp phần xây dựng hình ảnh đẹp hơn, gần gũi hơn trong lòng nhân dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh nêu cao văn hóa giao tiếp, ứng xử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO