Sẵn sàng để xuất khẩu lao động sau đại dịch

Thanh Nga| 01/11/2021 09:10

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh đang trầm lắng. Đơn vị chức năng đang nỗ lực, triển khai các giải pháp để sẵn sàng XKLĐ sau đại dịch.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐTBXH) đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc tại thị trường các nước. Tuy nhiên, người dân trên địa tỉnh vẫn chưa “mặn mà” với việc đi XKLĐ.

Từ năm 2020 đến nay, Đắk Nông chỉ có 302 người đi làm việc ở nước ngoài. Còn 9 tháng đầu năm 2021, số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 152 người.

Theo Sở LĐTBXH một trong những nguyên nhân làm cho số người XKLĐ ít hơn những năm trước là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covdi-19. Nhiều thị trường XKLĐ truyền thống của Việt Nam ngừng tiếp nhận lao động.

Lao động trẻ tìm hiểu về xuất khẩu lao động tại một phiên giao dịch việc làm. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Cụ thể, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động. Còn thị trường Nhật Bản, Đài Loan chỉ tiếp nhận lao động với số lượng ít. Thị trường Ả Rập Xê Út cũng tạm dừng do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran.

Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến tháng 10/2020, các chuyến bay giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... mới được nối lại. Do đó, công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài không đạt kế hoạch đề ra.

ADQuảng cáo

Năm 2021 đại dịch Covid-19 tiếp tục xảy ra trên toàn thế giới. Thị trường lao động ngoài nước tiếp tục giảm sâu. Theo ông Ninh Công Dũng, Phó Trưởng Phòng Lao động - Việc làm – Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH), 2 năm qua, số người trên địa bàn tỉnh đi làm việc tại các nước đã giảm mạnh.

Các địa phương nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội, nên các doanh nghiệp xuất khẩu lao động gặp khó khăn hoặc không thể thực hiện công tác tư vấn, tuyển chọn lao động. Tâm lý e ngại của người lao động trước tình hình dịch bệnh và ngại đi làm ăn xa cũng ảnh hưởng đến công tác XKLĐ.

Sở LĐTBXH tổ chức các sàn giao dịch việc làm giúp kết nối doanh nghiệp tuyển dụng lao động địa phương (Ảnh chụp trước 27/4/2021)

Từ những khó khăn này, ngành LĐTBXH đang đẩy mạnh các giải pháp để nâng cao hiệu quả XKLĐ. Trước mắt, đơn vị sẽ tập trung tuyên truyền để người dân nắm bắt đầy đủ các thông tin về thị trường XKLĐ.

Công tác tìm kiếm thị trường lao động ở nước ngoài đã, đang được đơn vị tăng cường. Ngành LĐTBXH sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kết nối, giới thiệu việc làm ở nước ngoài; kết nối hỗ trợ vay vốn để phục vụ XKLĐ.

Công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động, trình độ ngoại ngữ… đang được đơn vị chú trọng để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các nước; bảo đảm các điều kiện cần thiết để chủ động XKLĐ sau đại dịch.

Năm 2021, Bộ LĐTBXH phấn đấu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, giảm 40.000 người so với chỉ tiêu năm 2020. Thị trường xuất khẩu lao động tập trung vào các nước có thu nhập cao, ổn định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng để xuất khẩu lao động sau đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO