Quan tâm chăm sóc sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động

Vũ Trang| 07/05/2020 08:26

Những năm gần đây, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã từng bước được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này đã góp phần đáng kể trong việc bảo vệ nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp, cơ sở lao động trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Còn nhiều nỗi lo

Xác định việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy sản xuất, thời gian qua, chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp, cơ sở lao động trên địa bàn đã cố gắng bảo đảm các điều kiện để người lao động được làm việc trong môi trường lao động an toàn, thuận lợi.

Các cấp, ngành trong tỉnh đã thường xuyên tuyên truyền về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, quan tâm sức khỏe người lao động, đặc biệt là phòng, chống các bệnh nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mua sắm, trang bị đồ bảo hộ lao động, bồi dưỡng kiến thức về an toàn lao động để giảm thiểu những tác hại của quá trình sản xuất đến sức khỏe của người lao động, cũng như tai nạn có thể xảy ra. Tổ chức công đoàn và lãnh đạo các doanh nghiệp cũng quan tâm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân, xây dựng môi trường lao động thông thoáng, sạch sẽ, an toàn...

Chăm sóc sức khỏe cho người lao động, góp phần đáng kể trong việc bảo vệ nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp, cơ sở lao động

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay những đơn vị chú trọng thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động thường là các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở lao động trên địa bàn có quy mô nhỏ và vừa, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chưa thực sự quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe người lao động.

Theo thống kê, tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 4.666 cơ sở lao động với khoảng 25.512 người lao động được quản lý, theo dõi chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp, chỉ chiếm 17,6% tổng số cơ sở lao động trên địa bàn. Ngoài ra, bản thân người lao động trong quá trình sản xuất còn chủ quan, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh lao động, bảo vệ sức khỏe.

Ngoài ra, theo các cơ quan chức năng, hiện nay môi trường lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã từng bước được cải thiện, thể hiện rõ ở các yếu tố vi khí hậu vượt tiêu chuẩn cho phép giảm so với những năm trước. Cụ thể, so sánh với năm 2016, yếu tố tiếng ồn giảm trên 50%, điều kiện nhiệt độ tại nơi làm việc giảm trên 80%, độ ẩm giảm 39%. Tuy nhiên, một số yếu tố có hại khác lại đang có xu hướng gia tăng như điều kiện ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt… Một số yếu tố như hơi khí độc, điện từ trường, các dung môi, các chất gây ung thư… chưa được quan trắc do thiếu trang thiết bị chuyên dùng.

ADQuảng cáo

Cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 27/4/2020 về Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của kế hoạch nhằm tăng cường công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động nói chung và nhân viên y tế nói riêng; nâng cao năng lực quan trắc môi trường lao động; chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động...

Cụ thể, đối với chỉ tiêu nâng cao năng lực ngành Y tế, tỉnh tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực quan trắc môi trường lao động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương, đồng thời thành lập phòng khám bệnh nghề nghiệp đủ điều kiện theo quy định. Mục tiêu đến năm 2025, trên 65% người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động và đạt 75% vào năm 2030; trên 90% người thuộc lực lượng sơ cấp cứu tại nơi làm việc được huấn luyện và cập nhật về sơ cấp cứu, đạt trên 95% vào năm 2030.

Đối với chỉ tiêu chuyên môn về y tế lao động và bệnh nghề nghiệp, đến năm 2025 trên 100% doanh nghiệp lớn và 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ về bệnh nghề nghiệp thực hiện nghiêm túc quan trắc môi trường lao động theo quy định và lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động; trên 60% cơ sở lao động thực hiện khám, phân loại sức khỏe người lao động; 50% cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế về sơ cứu, cấp cứu và các quy định về công trình phúc lợi thực hiện các hoạt động nâng cao sức khỏe người lao động tại nơi làm việc; 100% người lao động bị tai nạn lao động, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp hoặc các bệnh liên quan đến nghề nghiệp được sơ cấp cứu, điều trị phục hồi chức năng…

Ngoài ra, hàng năm, trên 70% làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận với các thông tin về chăm sóc sức khỏe người lao động; trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động được truyền thông và tập huấn nâng cao năng lực về an toàn, vệ sinh lao động và kiểm soát bệnh nghề nghiệp.

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trong việc chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương nâng cao năng lực thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Đặc biệt, Sở Y tế phối hợp triển khai xây dựng mô hình phòng, chống bệnh nghề nghiệp theo tình hình của tỉnh. Về phía người lao động cần có kiến thức, biết tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và có yêu cầu chính đáng về các chế độ, bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm chăm sóc sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO