Nguyễn Trọng Duy - thanh niên tàn tật nghị lực cao

H'Mai| 27/09/2019 09:07

Sinh ra không được may mắn như những người bình thường, mắc phải triệu chứng dị tật bẩm sinh, với đôi chân bị tàn tật, anh Nguyễn Trọng Duy, quê Hải Dương gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.

ADQuảng cáo

Với suy nghĩ, mong muốn không phụ thuộc vào bất kỳ ai, anh Duy không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, làm giàu trên mảnh đất Quảng Tâm (Tuy Đức) – nơi anh xem là quê hương thứ hai của mình.

Anh Duy chăm sóc cây bơ sau một vụ thu hoạch

Nói về những ngày đầu mới lập nghiệp, Duy không giấu được cảm xúc bồi hồi. Từng sống ở nhiều nơi, đi qua nhiều tỉnh thành nhưng anh lại vô cùng thích thú khi lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Đắk Nông vào năm 2004. Anh cho rằng nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi để bản thân có thể lao động sản xuất. Với suy nghĩ đất đai màu mỡ, gieo hạt bầu, hạt bí, hoa màu đều tốt nên nếu chăm chỉ, siêng năng sẽ tự nuôi sống bản thân và đứng vững trên đôi chân của chính mình. Đó là khoảng thời gian anh đi làm thuê, làm mướn tích góp tiền vốn, tìm kiếm nơi thích hợp để định cư.

Có những khi, người thuê ái ngại khi thấy anh bị tật ở chân, sức khỏe không được như những người bình thường. Nhưng với tính cách hòa đồng, không ngừng cố gắng trong mọi công việc từ làm cỏ, bón phân, khuân vác, thu hái…, anh đã chứng minh được bản thân có thể lao động sản xuất tốt. Cuối cùng, anh cũng đã có thể mua được cho riêng mình được mảnh đất tại thôn 2, xã Quảng Tâm để sản xuất và định cư.

Tranh thủ đất trống trên vườn cây ăn trái chưa khép tán, anh Duy trồng thêm hoa màu, cây ngắn ngày để tăng thu nhập, lấy ngắn nuôi dài

Tại nơi đây, anh tham gia sinh hoạt và được hội nông dân địa phương hỗ trợ kỹ thuật, tiến hành trồng khoai lang. Mặc dù năng suất đạt cao nhưng thời điểm thu hoạch giá cả xuống thấp nên vụ mùa lại bị thua lỗ. Vấp phải những khó khăn chung của nhiều nông dân khi “được mùa lại mất giá”, anh không nản chí mà tiếp tục vay vốn từ ngân hàng chính sách để chăn nuôi bò. Thời gian đầu, việc nuôi bò thuận lợi nhưng sau đó lại có dịch lở mồm long móng bùng phát tại địa phương, việc chăn nuôi bò đành bỏ dở. Khởi đầu với hai lần bị thất bại, đôi khi buồn chán nhưng với mong mỏi được phát triển, có điều kiện chăm lo cho con ăn học tốt, anh tiếp tục học hỏi, tìm hướng sản xuất phù hợp.

ADQuảng cáo

Từ những chuyến đi, tham quan các mô hình sản xuất ở nhiều nơi, anh học hỏi được nhiều kinh nghiệm, cách làm, cách chọn giống, phòng trị bệnh, kỹ thuật chăm sóc bò lai Sind… Anh nhận thức rằng những vật nuôi gần gũi như bò, ngan, gà thích nghi tốt với điều kiện địa phương mình, phù hợp với loại thức ăn sẵn có như cỏ, ngô, khoai, mì… Qua đó, anh quyết định một lần nữa vay vốn ngân hàng nông nghiệp xây dựng trang trại nuôi bò lai Sind, ngan, gà… và trồng hoa lay ơn lấy củ bán cho thương lái ở Đà Lạt. Song song đó, anh trồng khoai lang, chanh dây, ngô, mì…

Năng suất cà phê của gia đình anh Duy đạt 4 tấn/ha

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh dùng tiền lãi từ trồng cây ngắn ngày và nuôi ngan, gà… đầu tư trồng thêm tiêu, cà phê. Sau 3 năm gây dựng, gia đình anh đã có được trang trại trồng trọt, chăn nuôi với diện tích gần 10 ha. Trong đó, 3 sào chăn nuôi bò, gà, ngan…; 1,5 ha cà phê, 2 ha tiêu, 1 ha bơ, 1 ha sầu riêng; 4,5 ha luân canh cây trồng hoa lay ơn lấy củ, khoai lang, chanh dây… Từ năm 2014, các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu bước vào giai đoạn kinh doanh mang lại nguồn thu nhập cao. Mỗi năm, gia đình anh có nguồn thu nhập đạt trên 1,2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Kinh tế bền vững, anh Duy có thể xây dựng được nhà cửa khang trang, chăm lo, tạo điều kiện tốt cho con cái học tập

Cuối năm 2018, dịch bệnh trên cây hồ tiêu bùng phát, tiêu chết hàng loạt, mặc dù có ảnh hưởng đến nguồn thu nhập nhưng với anh, điều đó không gây xáo trộn đến cuộc sống gia đình. Từng trải qua những lần thất bại khi khởi nghiệp, anh đã biết quý trọng hơn sự thành công, kết quả đạt được và làm cho anh đứng vững trong sự chuyển biến, thay đổi của nền kinh tế thị trường. Gia đình anh vẫn có nguồn thu nhập bền vững từ mô hình đa con – đa cây…

Hằng năm, gia đình anh đã giải quyết việc làm cho từ 10 – 15 lao động thời vụ và thường xuyên, mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế hộ gia đình, với những kinh nghiệm, kiến thức đúc kết được trong quá trình lao động sản xuất, anh không ngần ngại chia sẻ trong các buổi giao lưu, sinh hoạt chi hội nông dân… Anh còn tham gia hỗ trợ một số hội viên vay vốn mua vật tư, phân bón với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Đối với anh, thành công lớn nhất là nghị lực vượt qua chính mình, vượt qua những khó khăn, thất bại ban đầu, dám nghĩ, dám làm và không ngừng nỗ lực tìm tòi, học tập để vươn lên phát triển kinh tế. Điều đó giúp gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất Tây Nguyên này. Vượt khó trở thành nông dân sản xuất giỏi, anh Duy xứng đáng là tấm gương đời thực để những người trẻ lập nghiệp học hỏi, noi theo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Trọng Duy - thanh niên tàn tật nghị lực cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO