Vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn dịch bệnh là vi phạm pháp luật

Đặng Hiền| 12/07/2019 09:39

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện và lây lan ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tại Đắk Nông, lực lượng chức năng đã tiến hành tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn và kiềm chế dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp người dân, tiểu thương vì lợi nhuận vẫn vận chuyển, giết mổ lợn bị nhiễm bệnh hay đưa thịt lợn từ vùng bị dịch, thịt không rõ nguồn gốc ra thị trường tiêu thụ.

ADQuảng cáo

Các hộ chăn nuôi cần đề cao phòng bệnh, phối hợp với lực lượng chức năng để tiến hành tiêu hủy, xử lý khi lợn bị nhiễm dịch bệnh

Theo quy định, khi lợn có dấu hiệu bị dịch bệnh, chết, người nuôi phải báo cho cán bộ thú y địa phương để tiến hành kiểm tra, tiêu hủy trong hố chôn, khử trùng chuồng trại tránh lây lan dịch bệnh. Thế nhưng, vì tiết kiệm chi phí, ngại báo cáo, một số hộ nuôi đã lén lút đem xác lợn chết vứt bừa bãi ra ven đường, sông suối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tăng nguy cơ phát tán bệnh dịch trên địa bàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân.

Tháng 5 vừa qua, trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa xuất hiện xác lợn chết được vứt dọc đường. Cụ thể, 9 xác lợn chết được bỏ vào bao trên đường thuộc tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung; 2 xác lợn chết bị vứt trên quốc lộ 28, thuộc địa bàn tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức… Những xác lợn trên đều đang bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối. Từ tin báo của người dân, Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy toàn bộ số lợn này. Kết quả xét nghiệm cho thấy, những con lợn trên đều dương tính với vi rút bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Không chỉ vứt xác phi tang lợn chết, nhiều hộ chăn nuôi, tiểu thương còn lén lút giết mổ, đem lợn bị dịch đi tiêu thụ ngoài thị trường, bất chấp quy định pháp luật và nguy cơ lan truyền dịch bệnh ra cộng đồng. Mới đây, cơ quan chức năng huyện Đắk Mil đã phát hiện một xe tải vận chuyển lợn bị dịch tả lợn châu Phi đi tiêu thụ trên địa bàn. Số lợn trên của ông Nguyễn Sỹ Tình (ở Đắk Nông) thuê người vận chuyển từ tỉnh Đồng Nai về bán cho các lò mổ trong tỉnh. Sau khi giao 10 con lợn, chủ hàng phát hiện có 1 con bị chết nên tự mổ đem bán tại địa bàn xã Đức Mạnh (Đắk Mil).

ADQuảng cáo

Khi lực lượng chức năng yêu cầu kiểm tra thì người này bỏ chạy, để lại một số thịt lợn đã mổ cùng 29 con lợn còn sống. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện số lợn trên xe đều dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi nên đã tiến hành lập biên bản tạm giữ xe, xử lý tiêu hủy số lợn và chuyển vụ việc cho cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc người dân không khai báo mà vẫn tiến hành kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh ra thị trường là hành vi vi phạm pháp luật. Những vi phạm trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Đơn cử, Thanh tra Sở Nông nghiệp-PTNT đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y liên quan đến phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi đối với bà Nguyễn Thị Sen, buôn bán động vật tại thôn 2, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) khi vận chuyển 57 con lợn thịt (trong đó có 22 con lợn đã chết, 6 con đã bị mổ thịt có biểu hiện thâm tím, bốc mùi hôi thối) vào địa bàn tỉnh mà không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật. Bà Sen bị phạt 7 triệu đồng, buộc tiêu hủy 22 con lợn chết và 100 kg thịt lợn trong số 57 con lợn nói trên.

Tuy những vi phạm trên chỉ do một số đối tượng gây ra nhưng đã gây ảnh hưởng đến môi trường, làm lây lan dịch bệnh, ngành chăn nuôi. Vì vậy, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm để bảo vệ người tiêu dùng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn dịch bệnh là vi phạm pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO