Nỗi lo từ những công trình thủy lợi xuống cấp

Phạm Khánh| 15/10/2019 09:16

Thời tiết hiện tại ít mưa hơn, nhưng đơn vị quản lý các công trình thủy lợi vẫn thấp thỏm nỗi lo sự cố vỡ hồ, đập. Nếu mùa khô tới, không có biện pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời, mùa mưa năm sau nguy cơ vỡ công trình thủy lợi rất dễ xảy ra.

ADQuảng cáo

45 công trình xuống cấp nghiêm trọng

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 118 công trình thủy lợi bị hư hỏng, chưa được đầu tư xây dựng; trong đó có 45 công trình xuống cấp rất nghiêm trọng. Đa số những công trình này đều là đập bằng đất, đã sử dụng hàng chục năm nay.

Qua thời gian, do biến động địa chất, tác động của khí hậu, áp suất nước trong hồ, sinh vật làm cho nhiều thân đập bị xói mòn, sụt lún, sạt lở hàm ếch, rỗng, dẫn đến nước thấm, thậm chí tạo thành dòng chảy trong thân đập xuống hạ lưu.

Do xuống cấp, nước phun từ thân đập hồ thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song)

Một số công trình thân đập bằng bê tông nhưng cũng đã xuống cấp trầm trọng. Hầu hết bê tông mái hạ lưu của các công trình bị nứt gãy, bong tróc, sụt lún, cửa van bị sét rỉ lâu ngày không hoạt động, cửa tràn xả lũ bị bồi lấp nên nước thường tràn qua đỉnh đập, gây nguy cơ vỡ.

Nằm trong số những công trình kể trên là hồ thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) dung tích chứa 750.000 m3 nước. Chiều cao thân đập 5m, nhưng bị lún, hai bên thân đập bị sạt lở, tràn xả lũ bị xói lở nghiêm trọng, chưa có rãnh thoát nước ở vai đập. Mỗi khi trời mưa nước trong hồ tràn qua đỉnh đập, hằng ngày nước vẫn thoát qua thân đập từ các vết đứt gãy. Ngoài công trình này, trên địa bàn xã Đắk N’Drung còn có 4 công trình thủy lợi xuống cấp tương tự.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng thôn Đắk Kual 5 cho biết: “Nước trong hồ chảy ra thường xuyên xuống vùng hạ lưu. Khi trời mưa, nước lớn dâng lên, áp suất nước phun ra như vòi rồng nên hàng trăm hộ dân sống ở vùng dưới luôn nơm nớp lo sợ vỡ đập”.

Công ty TNHH MTV khai thác Công trình thủy lợi dùng cát bỏ vào bao để xử lý tạm thời các dòng chảy trong thân đập.

Nghiêm trọng không kém, hồ thủy lợi Băs Rai thuộc xã Quảng Khê (Đắk Glong) với dung tích chứa 7.500.000 m3 nước, nhưng xuất hiện nhiều ổ mối bên trong, dẫn đến nước chảy mạnh qua thân, nền và vai đập. Mái hạ lưu bị xói lở nghiêm trọng, cống tiêu nước cũng bị thấm mạnh, nguy cơ vỡ đập bất cứ lúc nào. Ngoài ra, trong lòng hồ còn tồn tại các mảng cỏ trôi nổi với diện tích lớn, sẽ lấp miệng cống tiêu nước, dẫn đến nước không kịp tiêu thoát và dâng quá ngưỡng tràn mỗi khi trời mưa. Tình trạng này cũng diễn ra ở 6 công trình thủy lợi khác ở trên địa bàn xã Quảng Khê.

Tại một số công trình xuất hiện các mảng cỏ trôi nổi với diện tích rất lớn, rất nguy hiểm. Trong khi tình trạng thân đập bị thấm, mái hạ và thượng lưu bị xói lở, các mảng cỏ trôi nổi về ngưỡng tràn hoặc cống tiêu nước sẽ bồi lấp, làm cho nước dâng cao hơn rất nhiều và nguy cơ vỡ rất dễ xảy ra. Những công trình có mảng cỏ trôi nổi với diện tích lớn, chiếm từ 80%-90% lòng hồ là hồ Sình Muống, hồ Đắk M’rung thuộc xã Thuận Hạnh (Đắk Song), hồ Bàu Muỗi ở xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp), hồ Đắk Nang ở xã Đắk Nang (Krông Nô)…

Một số công trình thân đập làm bằng đất nên bị sụt lún và thấm nước.

ADQuảng cáo

Bài học từ 2 sự cố

Mùa mưa năm nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 sự cố ở 2 công trình nằm trong hàng chục công trình xuống cấp nghiêm trọng kể trên, đe dọa sự an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Cụ thể, sự cố hồ thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song), nước phun ra từ 3 lỗ với lưu lượng đo được là 500 m3/giây. Ngay trong đêm khuya, đơn vị quản lý tức tốc đưa ra phương án mở van cống để xả nước, bảo đảm an toàn cho đập. Chính quyền địa phương huy động lực lượng để di dời một số hộ dân ngay trong đêm ra khỏi vùng hạ lưu. Thế nhưng, đến thời điểm này, việc khắc phục sự cố chỉ tạm thời, lượng nước trong hồ còn khoảng 200.000 m3, bằng 1/3 so với dung tích thiết kế.

Tương tự, hồ Đắk Nang, xã Đắk Nang (Đắk Glong) bị các mảng cỏ trôi nổi về phía ngưỡng tràn làm bồi lấp, tê liệt hệ thống tiêu thoát, nước vượt quá tràn, chảy qua đỉnh đập. Ngay trong đêm, đơn vị quản lý phải huy động công nhân, thuê phương tiện tức tốc trục vớt, khơi thông cống tiêu nước và ngưỡng tràn.

Rất may, số lượng người dân sống dưới vùng hạ lưu của 2 công trình này ít, diện tích sản xuất cũng không nhiều nên mức độ thiệt hại không lớn. Nhưng lo ngại nhất, vì phải xả để bảo đảm an toàn cho thân đập nên lượng nước tích trữ không đáp ứng đủ tưới cho cây trồng vào mùa khô tới.

Công trình thủy lợi thuộc xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) cũng bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nguy cơ vỡ trong mùa mưa bão rất cao

Đối với hồ thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’Drung, nếu chẳng may xảy ra sự cố, mức độ thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều. Dưới vùng hạ lưu của công trình có tới 180 gia đình sinh sống và hàng trăm ha cà phê, tiêu, cây trồng khác. Hay các hồ Sình Muống, Đắk M’rung, xã Thuận Hạnh, với tổng dung tích chứa gần 2 triệu mét khối nước, nếu không may gặp sự cố, gần 15.700 ha lúa, cà phê, cây nông nghiệp ngắn ngày sẽ bị trôi theo dòng nước.

Còn hồ Băs Rai, xã Quảng Khê, nếu xảy ra sự cố không chỉ gây thiệt hại về cây trồng, mà tính mạng của 20 gia đình sống dưới vùng hạ lưu cũng bị đe dọa. Ngoài mất an toàn, với sự xuống cấp hiện tại của công trình đang ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sản xuất nông nghiệp của người dân.

Ông Nguyễn Hữu Kiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê cho hay: “Do hồ xuống cấp, lượng nước trong hồ mấy năm nay đều không tích trữ đủ như dung tích thiết kế. Do vậy, nguồn nước không đáp ứng tưới cho hàng trăm ha cây trồng trên địa bàn, dẫn đến năng suất thấp, thậm chí chỉ cứu được cây trồng khỏi chết”.

Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, đơn vị đang trực tiếp quản lý 45 công trình xuống cấp này, với tổng dung tích 190 triệu mét khối nước. Những công trình này phục vụ tưới 7.000 ha cà phê, tiêu, lúa và các loại cây hoa màu, nhưng thực tế sử dụng nhiều hơn gấp 2-3 lần.

Ông Nguyễn Tường Duy, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông cho biết: 45 công trình đang xuống cấp nói trên trước đây do các nông trường, thôn, xã quản lý mới bàn giao về cho đơn vị. Hầu hết các công trình được xây dựng và sử dụng từ 20 năm trở lên, thậm chí có những công trình hơn 30 năm. Do những đơn vị chủ quản trước đây không có chuyên môn về lĩnh vực thủy lợi nên việc sửa chữa không kịp thời, dẫn đến nguy cơ vỡ trong mùa mưa bão rất cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo từ những công trình thủy lợi xuống cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO