Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Bắt đầu đi vào cuộc sống

Thanh Hà| 16/01/2020 08:45

Trong những ngày đầu năm 2020, vấn đề xử phạt người có nồng độ cồn điều khiển phương tiện giao thông được dư luận đặc biệt quan tâm. Với mức chế tài mạnh, khiến những người có thói quen sử dụng rượu, bia phải cân nhắc trước những cuộc vui để lái xe an toàn...

ADQuảng cáo

Ngày 14/6/20219, Quốc hội ban hành luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Luật này quy định các biện pháp giảm mức tiêu thụ, quản lý việc cung cấp, giảm tác hại… của rượu, bia và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Trong 13 hành vi bị nghiêm cấm trong luật có hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. So với luật Giao thông đường bộ năm 2008, luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định chặt hơn khi cấm người điều khiển tất cả các phương tiện từ xe đạp, xe máy… sử dụng bia, rượu khi tham gia giao thông. Hay nói rõ hơn, người điều khiển phương tiện mà có nồng độ cồn là bị xử phạt chứ không phải chỉ khi vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1 lít khí thở như quy định tại khoản 8, điều 8, luật Giao thông đường bộ 2008.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh kiểm tra người điều khiển phương tiện giao thông trên QL14, đoạn đi qua địa bàn tỉnh

Ngày 30/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này thay thế Nghị định số 46 ngày 26/5/2016 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020. Nghị định 100 có rất nhiều thay đổi về mức xử phạt vi phạm hành chính, trong đó nâng mức phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn lên rất cao.

Cụ thể, mức phạt tiền cao nhất đối với người sử dụng nồng độ cồn khi đi xe đạp là 600.000 đồng, xe máy là 8 triệu đồng và ô tô là 40 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn có thể bị tước giấy phép lái xe (cao nhất 2 năm) và bị tạm giữ phương tiện.

ADQuảng cáo

Các mức xử phạt cơ bản theo Nghị định 100

Với chế tài mạnh và có hiệu lực gần như ngay lập tức (chỉ sau 2 ngày ban hành), Nghị định 100 cho thấy “cải tiến” của mình khi trình tự, thủ tục rút gọn và kịp thời lấp được “khoảng hở” của Nghị định 46. Việc thay đổi ý thức người điều khiển phương tiện giao thông bằng cách “đánh” trực tiếp, “đánh” mạnh vào “ví tiền” khiến nhiều người phải thực sự đắn đo trước khi thực hiện hành vi của mình.

Nhiều ngày nay, chủ đề mức xử phạt nồng độ cồn xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một số trang mạng xã hội còn chế ra những hình ảnh vui hài về việc xử phạt người điều khiển giao thông sử dụng nồng độ cồn. Dù bàn luận, trao đổi trên báo chí chính thống hay vui cười trên mạng xã hội thì mức xử phạt mạnh khiến phần lớn người tỏ ra dè dặt, thậm chí là “sợ” hơn.

Tại một số đám cưới trên địa bàn tỉnh, nhiều người đã thẳng thắn từ chối sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông đến nơi tổ chức tiệc. Nhiều người sẵn sàng “chịu chi” tiền taxi để tới quán nhậu thay vì tự mình điều khiển xe tới như trước đây. Việc từ chối hay thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia cho thấy ý thức của một bộ phận không nhỏ người dân đã chuyển biến mạnh mẽ.

Rõ ràng, những quy định tại Nghị định 100 đã thực sự đủ mạnh. Lực lượng CSGT cũng đồng loạt ra quân kiểm tra nồng độ cồn và cho biết sẽ quyết liệt đối với các trường hợp điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông vi phạm. Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi nhận thức, đưa những quy định này vào cuộc sống. Bởi vì có như vậy, chúng ta sẽ góp phần thay đổi và tiến tới việc chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng rượu, bia thời điểm trước và trong lúc điều khiển phương tiện giao thông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Bắt đầu đi vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO