Chủ động các phương án ứng phó để giảm thiểu rủi ro thiên tai

Hồng Thoan| 25/11/2020 08:14

Nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được dự báo có nguy cơ xảy ra thiên tai do mưa lũ. Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo cần phải có sự chủ động phòng tránh, ứng phó có hiệu quả để giảm thiểu rủi ro...

ADQuảng cáo

Chủ động ứng phó

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) huyện Cư Jút, trên địa bàn đang có 19 vị trí nguy cơ xảy ra thiên tai. Các khu vực này đều nằm dọc theo các tuyến suối, nhánh suối thuộc thị trấn các xã Tâm Thắng, Ea Pô, Đắk Wil, Cư K’nia, Trúc Sơn và Ea T’ling.

Khu vực suối Đắk Nông (Gia Nghĩa) là điểm có nguy cơ xảy ra thiên tai ở mức cao

Điển hình như dọc theo tuyến suối Đắk Sour dài khoảng 4,5 km có thể xảy ra ngập lụt, lũ quét, gây ảnh hưởng tối đa khoảng 1,22 km2 thuộc trung tâm thị trấn Ea T’ling và 0,46 km2 xã Trúc Sơn. Hay khu vực suối Đắk K’lau cũng có thể xảy ra lũ quét, lũ ống dài khoảng 4,7 km, diện tích bị ảnh hưởng tối đa khoảng 2,6 km2...

Ông Đỗ Duy Nam, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Cư Jút, cho biết, huyện luôn chủ động theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, nắm bắt và xử lý tình huống kịp thời, hiệu quả. Trên cơ sở đó, địa phương đã lên các kịch bản ứng phó gắn với các mức độ mưa cụ thể, xây dựng phương án di dời dân cư đến địa điểm an toàn, dự phòng phương tiện, sẵn sàng lực lượng ứng phó khi cần thiết.

Tương tự, theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil, mùa mưa năm 2020, huyện có 2 khu vực nguy cơ sạt lở đất tại thôn Đắk Lộc và 2 khu vực nguy cơ lũ quét cao là hạ lưu các hồ 35, 40  (đều thuộc xã Đắk Lao).

Không chỉ Cư Jút, Đắk Mil, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đều chủ động rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập lụt trong mùa mưa năm nay.

4 tại chỗ, 3 sẵn sàng

ADQuảng cáo

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư. Phần lớn các điểm xung yếu này nằm tập trung tại ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng.

Các vị trí, khu vực này đều đã được chính quyền địa phương cảnh báo, vận động người dân di dời tới nơi an toàn. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, thiếu mặt bằng, thiếu quỹ đất tái định cư, nên công tác di chuyển, bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Đường vào thác Liêng Nung (Gia Nghĩa) sạt lở nghiêm trọng

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 29 hồ thủy lợi nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Đơn vị quản lý các công trình thủy lợi cũng đã đề xuất phương án khắc phục, trước mắt chuẩn bị sẵn sàng thực hiện phương án ứng phó, bảo đảm an toàn hồ chứa và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ chứa xung yếu, hồ đang thi công và hồ chứa nhỏ.

Tại mỗi hồ chứa, các đơn vị đều bố trí lực lượng thường trực để vận hành và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra, không thực hiện tích nước nếu không bảo đảm an toàn.

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, đối với các hồ chứa có cửa van nguy cơ mất an toàn, đơn vị theo dõi sát diễn biến mưa, lũ thực tế, thông tin dự báo mưa để hạ thấp mực nước hồ, chủ động đón lũ, không để xảy ra tình trạng phải xả lũ bất thường làm ảnh hưởng đến vùng hạ du, phòng, chống ngập lụt, úng hiệu quả.

Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh nhận định, năm 2020 tình hình thời tiết có những diễn biến phức tạp, khó lường, các cấp, ngành, người dân cần thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết của cơ quan chuyên môn. Đặc biệt, các ngành, địa phương, đơn vị quản lý công trình thủy lợi, hồ đập tổ chức nghiêm túc việc trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ.

Các cơ quan đơn vị, địa phương phải luôn chủ động phòng, chống thiên tai để giảm thiểu ảnh hưởng thiệt hại. Trong đó, việc thực hiện giải pháp “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả) phải luôn được duy trì, đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố cũng cần làm tốt việc tuyên truyền, vận động, cảnh báo, di dời dân khi có tình huống mất an toàn...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động các phương án ứng phó để giảm thiểu rủi ro thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO