Cảnh giác tránh “sập bẫy” tín dụng “đen”

Hoàng Thanh| 20/09/2018 09:07

Bằng việc vay vốn bên ngoài với lãi suất rất cao, không ít doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) đã “sập bẫy” tín dụng “đen”, chịu nhiều áp lực trong quá trình vay.

ADQuảng cáo

Do cần tiền mặt để duy trì hoạt động của công ty, năm 2014, ông Hồ Văn Ch, Giám đốc Công ty C.T ở xã Đắk Wer phải vay tiền của một người chuyên cho vay tại địa bàn. Theo ông Ch, vào thời điểm trên, công ty gặp rất nhiều khó khăn, trong khi việc vay tiền ở các ngân hàng thương mại gặp trở ngại, nên buộc ông phải vay 2,8 tỷ đồng bên ngoài với mức lãi suất thỏa thuận là 3%/ngày.

Cầm cự được vài tháng, ông Ch không trả lãi đúng hẹn nên “lãi mẹ đẻ lãi con”, chỉ trong vòng 20 tháng, tổng số tiền nợ phải trả là gần 20 tỷ đồng. Trong khoảng thời gian đó, ông Ch luôn phải chịu rất nhiều áp lực từ chủ nợ, thường xuyên bị khủng bố về mặt tinh thần, thậm chí chủ nợ còn cho giang hồ đến công ty đe dọa. Không chịu được áp lực, ông Ch phải nhượng 30% cổ phần của công ty, tương đương 20 tỷ đồng cho chủ nợ. Nhớ lại thời gian này, ông Ch còn khiếp sợ và quyết không bao giờ “dính” đến tín dụng “đen” nữa.

Tương tự, ông Ph là một chủ doanh nghiệp ở thị trấn Kiến Đức cũng khốn khổ vì tín dụng “đen”. Ông vay 400 triệu đồng với lãi suất 14%/tháng nhưng phải cầm “sổ đỏ” trị giá gấp nhiều lần số tiền vay. Cũng do làm ăn ngày càng thua lỗ nên ông Ph không trả lãi đúng hẹn. Chỉ sau 15 tháng, chủ nợ đã chiếm luôn mảnh đất ông Ph thế chấp.

ADQuảng cáo

Cũng theo ông Ch, trên địa bàn huyện Đắk R’lấp, nhiều người vì cần tiền đầu tư cho làm ăn, sản xuất vẫn phải vay vốn bên ngoài với mức lãi suất “cắt cổ”. Có những người chỉ vay vài chục triệu đồng nhưng chỉ sau 1 năm tổng số tiền phải trả lên tới hàng trăm triệu đồng.

Tại Hội nghị đối thoại trực tiếp với người dân, doanh nghiệp do Công an tỉnh tổ chức mới đây, người dân huyện Đắk R’lấp đã kiến nghị lực lượng công an cần ra tay ngăn chặn, giải quyết tình trạng tín dụng “đen”. Tuy nhiên, theo Công an tỉnh, việc này gặp khó khăn vì các chủ nợ khi cho vay thường không thể hiện lãi suất.

Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm... Trong khi đó, trên thực tế khó chứng minh “có tính chất chuyên bóc lột” nên ít khi hành vi cho vay nặng lãi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy vậy, để hạn chế tín dụng “đen” hoành hành, lực lượng công an đang tăng cường các biện pháp kiểm tra hành chính, xử lý các băng nhóm, thậm chí cương quyết xử lý về hình sự. Tuy nhiên, vấn đề căn cơ là các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần chung tay, đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ ra các phương thức, thủ đoạn, chiêu trò của các đối tượng tổ chức cho vay nặng lãi để người dân nâng cao cảnh giác, tránh “sập bẫy” tín dụng “đen”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác tránh “sập bẫy” tín dụng “đen”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO